Hướng giải quyết khi bị chậm chi trả tiền bồi thường đất bị thu hồi là vấn đề mà người dân rất quan tâm khi có đất bị thu hồi. Bởi lẽ, được chi trả tiền bồi thường là một trong những quyền lợi của người dân khi có đất bị thu hồi theo quy định pháp luật. Vậy khi bị chậm chi trả tiền bồi thường người dân có thể giải quyết bằng cách nào, Chuyên tư vấn luật mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.
>>> Xem thêm: Trường hợp thu hồi đất phải đền bù theo giá thị trường
Mục Lục
Khi bị chậm chi trả tiền bồi thường, người dân được yêu cầu những quyền lợi gì?
Khi bị Nhà nước thu hồi đất, cá nhân, hộ gia đình có thể được chi trả tiền bồi thường theo quy định của pháp luật về đất đai. Thời hạn để cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường phải chi trả cho người có đất bị thu hồi là 30 ngày, kể từ ngày quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, quy định tại khoản 2 Điều 93 Luật Đất đai 2013, trong trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả khi thanh toán tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi ngoài tiền bồi thường theo phương án bồi thường, người có đất bị thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả. Như vậy, trong trường hợp cá nhân, hộ gia đình bị chậm chi trả tiền bồi thường khi bị thu hồi đất có quyền yêu cầu tính lãi chậm trả từ ngày thứ 31, kể từ ngày quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành. Về mức tính lãi và thời gian tính lãi theo quy định của Luật quản lý thuế, cụ thể:
- Mức tính tiền chậm trả bằng 0.03%/ngày tính trên số tiền chậm trả;
- Thời gian tính tiền chậm trả được tính từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm trả, tức là ngày thứ 31 kể từ ngày quyết định thu hồi đất có hiệu lực đến ngày liền kề trước ngày cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chi trả.
Khiếu nại quyết định/hành vi hành chính về việc chi trả tiền bồi thường
Khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại 2011 quy định khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người có quyền, lợi ích bị xâm phạm có quyền khiếu nại quyết định, hành vi hành chính đó đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét lại. >>> Xem thêm: Quyền lợi của người dân khi thu hồi đất để làm đường Trình tự khiếu nại được quy định tại Điều 7 Luật khiếu nại 2011, cụ thể:
Khiếu nại quyết định, hành vi hành chính lần đầu
- Khi khiếu nại lần đầu tiên, người khiếu nại có thể khiếu nại đến các đối tượng sau:(i) người đã ra quyết định hành chính; (ii) cơ quan có người có hành vi hành chính
- Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là Bộ trưởng) người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến Bộ trưởng.
- Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu được quy định tại Mục 2 Chương III Luật Khiếu nại 2011, cụ thể:
- Bước 1: Thụ lý giải quyết khiếu nại
- Bước 2: Xác minh nội dung khiếu nại
- Bước 3: Tổ chức đối thoại
- Bước 4: Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu
- Bước 5: Gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đến người, đơn vị có liên quan
- Bước 6: Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính (nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khiếu nại không được giải quyết).
Khiếu nại quyết định, hành vi hành chính lần hai
Khi khiếu nại lần đầu tiên mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn quy định mà không được giải quyết, người khiếu nại có quyền khiếu nại lần hai. Đối với khiếu nại lần hai, người khiếu nại khiếu nại đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp hoặc đối với trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai được quy định tại Mục 3 Chương III Luật Khiếu nại 2011:
- Bước 1: Thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai
- Bước 2: Xác minh nội dung khiếu nại lần hai
- Bước 3: Tổ chức đối thoại
- Bước 4: Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai
- Bước 5: Gửi, công bố quyết định giải quyết khiếu nại lần hai đến người, đơn vị có liên quan
- Bước 6: Khởi kiện vụ án hành chính (nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc khiếu nại không được giải quyết).
Người khiếu nại có thể khiếu nại bằng đơn hoặc khiếu nại trực tiếp theo quy định tại Điều 8 Luật Khiếu nại 2011. Bên cạnh đó, người khiếu nại có quyền tự khiếu nại hoặc nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính theo Điều 9 Luật khiếu nại 2011.
Khởi kiện quyết định/hành vi hành chính về việc chi trả tiền bồi thường
Căn cứ khởi kiện quyết định/hành vi hành chính
Khởi kiện là một trong những quyền của công dân, đối với quyết định, hành vi hành chính về đất đai, tại khoản 1 Điều 204 Luật Đất đai 2013 quy định “Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai”.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 quy định “Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính”. Căn cứ quy tại Điều 8 Luật Tố tụng hành chính 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền quyết định việc khởi kiện quyết định, hành vi hành chính. Trong quá trình giải quyết, người khởi kiện có quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện và thực hiện các quyền tố tụng khác của mình.
Trình tự, thủ tục khởi kiện
Trình tự, thủ tục khởi kiện quyết định, hành vi hành chính được quy định tại Chương IX Luật tố tụng hành chính 2015, cụ thể:
Bước 1: Soạn thảo Đơn khởi kiện
Đơn khởi kiện quyết định, hành vi hành chính phải có đầy đủ các nội dung tại Điều 118 Luật Tố tụng hành chính. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu chứng minh yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ pháp lý.
Bước 2: Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền
Người khởi kiện có thể nộp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo bằng 03 phương thức: (i) Nộp trực tiếp tại Tòa án; (ii) Gửi qua dịch vụ bưu chính; (iii) Gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 3: Tòa án nhận và xem xét đơn khởi kiện
Trong thời hạn 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Thẩm phán được phân công phải xem xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định: yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn kiện; Tiến hành thụ lý vụ án; Chuyển đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền; hoặc Trả lại đơn khởi kiện.
Bước 4: Nộp tạm ứng án phí (nếu đơn khởi kiện đủ điều kiện để thụ lý)
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Bước 5: Giải quyết vụ án
Tòa án sẽ kết thúc việc giải quyết vụ án hành chính bằng việc ra Bản án nếu vụ án được đưa ra xét xử hoặc ra Quyết định đình chỉ vụ án nêu vụ án thuộc các trường hợp phải đình chỉ giải quyết theo quy định pháp luật. Thời hạn để giải quyết vụ án hành chính có thể kéo dài từ 04 đến 08 tháng.
>>> Xem thêm: Thủ tục kiện đòi bồi thường tài sản khi Nhà nước thu hồi đất
Trên đây là nội dung tư vấn về “hướng giải khi bị chậm chi trả tiền bồi thường đất bị thu hồi” của Chuyên tư vấn luật. Nếu như bạn có vướng mắc nào hoặc cần dịch vụ luật sư tư vấn, đại diện để khiếu nại, khởi kiện đất đai, xin vui lòng liên hệ LUẬT SƯ ĐẤT ĐAI qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được tư vấn và hỗ trợ một cách kịp thời nhất. Xin cảm ơn.//.