Luật Đất Đai

Để lại di tặng đất đai bằng di chúc có được không?

Đất đai là một tài sản hữu hình và thứ được dùng để trao đổi, mua bán nhiều nhất trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Trong mỗi câu chuyện mỗi người thì không thể không nhắc đến loại tài sản này. Thế cho nên, câu hỏi xoay quanh chuyện ông bà, cha mẹ những giây phút “gần đất xa trời” có thể để lại di tặng đất đai bằng di chúc cho con cháu hay không vẫn là một câu hỏi mà nhiều người vẫn thắc mắc.

Hình thức Di tặng đất đai bằng di chúc
Di tặng đất đai bằng di chúc

Điều kiện để lại di tặng là gì?

Điều 646 Bộ luật dân sự 2015 không quy định cụ thể điều kiện để một người được nhận di tặng mà chỉ quy định chung: “Người lập di chúc được dành một phần tài sản để di tặng cho người khác”. Vậy thì “người khác” trong tình huống này được hiểu như thế nào? Chỉ là cá nhân hay có thể bao gồm cả cơ quan, tổ chức?

Theo ý kiến chúng tôi, người được di tặng có thể là cá nhân và cũng có thể là cơ quan, tổ chức. Bởi, Bộ luật dân sự không quy định cụ thể “người khác” bao gồm những ai, nhưng cũng không quy định là người được di tặng chỉ có thể là cá nhân hay tổ chức bất kỳ.

Vậy thì người được di tặng có bị áp dụng các điều kiện như đối với người thừa kế hay không?

Nếu chủ thể là cá nhân thì người được di tặng có cần là “đã thành thai trước khi người để lại di sản chết” hay chủ thể là tổ chức thì tổ chức đó có cần “tồn tại vào thời điểm mở thừa kế” hay không? Bộ luật dân sự 2015 chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, theo quan điểm chúng tôi đưa ra, người được di tặng dù không phải là người thừa kế, nhưng về mặt bản chất thì họ vẫn là người được hưởng di sản theo sự định đoạt của người lập di chúc. Vì vậy, để được nhận di tặng, người được di tặng cũng phải thỏa mãn những điều kiện của người thừa kế được quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015, chi tiết hơn là người được di tặng là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp người được di tặng là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Hình thức di tặng, nghĩa vụ tài sản của người được di tặng và người được hưởng thừa kế thế nào?

Hình ảnh Hình thức di tặng đất đai bằng di chúc và quyền nghĩa vụ của người được di tặng
Hình thức di tặng đất đai bằng di chúc và quyền nghĩa vụ của người được di tặng

Hình thức di tặng phải được quy định rõ ràng trong di chúc. Di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Theo Khoản 3 Điều 646 Bộ luật dân sự 2015 quy định người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.

Bên cạnh đó, người được di tặng có quyền nhận và cũng có quyền từ chối quyền hưởng di tặng mà không hạn chế quyền định đoạt như đối với người thừa kế. Người được di tặng không phải là người thừa kế theo di chúc và theo pháp luật của người để lại di tặng.

Thủ tục giải quyết khi có tranh chấp về di sản?

Tranh chấp sẽ xảy ra hiển nhiên nếu như quyền lợi của các bên nhận di sản không được giải đáp khi họ không hiểu được ý đồ của người tặng cho di sản. Việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được quy định tại Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

Thứ nhất, Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:

  • Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;
  • Cách thức phân chia di sản.

Thứ hai, Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.

Do đó việc phân chia di sản tùy thuộc sự thỏa thuận của những người được nhận di sản. Nếu vẫn không thể thỏa thuận với nhau và có tranh chấp xảy ra thì một trong các đồng thừa kế có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận (huyện) yêu cầu phân chia di sản thừa kế

Tòa án có thẩm quyền giải quyết?

Hình ảnh Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Để xác định được thẩm quyền giải quyết tranh chấp về vấn đề trên thì trước tiên phải xác định đúng yêu cầu của nguyên đơn phải là tranh chấp về bất động sản, trường hợp này thì Tòa án nhân dân cấp huyện chỉ có thẩm quyền giải quyết khi tại địa bàn huyện có nhà đất, tài sản trên đất của người để lại thừa kế, di tặng; nếu di sản là bất động sản không nằm trên địa bàn huyện thì tòa án nhân dân huyện sẽ không có thẩm quyền giải quyết vấn đề này được xác định theo Điều 35, Điều 39, Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (là Tòa án nơi có bất động sản hoặc theo sự lựa chọn của nguyên đơn).

 “Để lại di tặng đất đai bằng di chúc” phụ thuộc vào ý chí của người lập di chúc, điều này phải được ghi nhận rõ ràng trong di chúc để tránh trường hợp có tranh chấp xảy ra đối với phần di tặng này. Trường hợp quý khách hàng có nhu cầu tư vấn các thủ tục để lại di tặng bằng di chúc, hãy liên hệ Chuyên Tư Vấn Luật qua Hotline 1900 63 63 87 để được hỗ trợ.

4.8 (15 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 898 bài viết