Luật Đất Đai

Đăng ký biến động đất đai như thế nào?

Đăng ký biến động đất đai như thế nào đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi. Theo đó, nếu đất có những biến đổi như thay đổi chủ sở hữu, thay đổi hình dạng, kích thước của thửa đất thì phải thông báo với cơ quan quản lý đất đai để tiến hành cập nhật. Bài viết sau sẽ trình bày thủ tục cụ thể.

Thủ tục đăng ký biến động đất đai như thế nào?

Thủ tục đăng ký biến động đất đai như thế nào?

Đăng ký biến động đất đai trong những trường hợp nào?

Theo Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 thì thủ tục đăng ký biến động đất đai được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:

  • Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
  • Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
  • Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;
  • Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;
  • Chuyển mục đích sử dụng đất;
  • Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;
  • Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định
  • Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;
  • Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
  • Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;
  • Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;
  • Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.

Thủ tục đăng ký biến động đất đai được thực hiện như thế nào?

Thủ tục đăng ký biến động đất đai được thực hiện như thế nào?
Thủ tục đăng ký biến động đất đai được thực hiện như thế nào?

Thủ tục đăng ký biến động đất đai được quy định tại Điều 85 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:

Một là, Người nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nộp hồ sơ (cụ thể tài liệu cần có quy định tại Điều 9, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT) tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Hai là, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ.

Ba là, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau đây:

  1. Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính, chưa trích đo địa chính thửa đất hoặc nhận quyền sử dụng một phần thửa đất đã cấp Giấy chứng nhận;
  2. Trình cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất khi thực hiện chuyển đổi công ty; chia, tách doanh nghiệp; hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;
  3. Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính;
  4. Thông báo nội dung biến động về người sử dụng đất cho UBND cấp huyện nơi có đất để hủy hợp đồng thuê đất đã ký với hộ gia đình, cá nhân đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đưa quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp;
  5. Xác nhận vào Giấy chứng nhận đã cấp; trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu có nhu cầu;
  6. Cập nhật, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
  7. Trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Hồ sơ đăng ký biến động đất đai bao gồm những gì?

Hồ sơ đăng ký biến động đất đai bao gồm những gì?
Hồ sơ đăng ký biến động đất đai bao gồm những gì?

Căn cứ Điều 9, Thông tư 24/2014/TT-BTMNT, Hồ sơ đăng ký biến động đất đai gồm:

  • Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo mẫu quy định cụ thể;
  • Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
  • Một trong các loại giấy tờ gồm: Biên bản hòa giải thành (trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi ranh giới thửa đất thì có thêm quyết định công nhận của UBND cấp có thẩm quyền) hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai theo quy định của pháp luật; văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng thế chấp, góp vốn có nội dung thỏa thuận về xử lý tài sản thế chấp, góp vốn và văn bản bàn giao tài sản thế chấp, góp vốn theo thỏa thuận… Tùy thuộc vào từng trường hợp đăng ký biến động mà các giấy tờ này là khác nhau.

Trên đây, là các nội dung tư vấn pháp luật về đất đai về vấn đề “Đăng ký biến động đất đai”. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì chưa rõ ràng hoặc quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc có sự vướng ngại, thắc mắc, Chuyên Tư Vấn Luật rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng qua hotline 1900 63 63 87.

4.8 (11 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 898 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *