Luật Đất Đai

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất như thế nào?

Đối với mỗi loại đất sẽ có mục đích sử dụng khác nhau. Khi người sử dụng đất muốn chuyển mục đích sử dụng đất thì tùy từng loại đất hiện tại đang sử dụng và loại đất muốn chuyển mà phải thực hiện thủ tục khác nhau. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất là gì?

  • Chuyển mục đích sử dụng đất đã được đề cập từ Luật đất đai năm 1987 và tiếp tục được ghi nhận trong Luật đất đai năm 1993, Luật đất đai năm 2003, và đã được Luật đất đai năm 2013 tiếp tục kế thừa và phát huy các quy định này.
  • Tuy nhiên, Luật đất đai năm 1987, Luật đất đai năm 1993 cũng chưa đưa ra khái niệm về chuyển mục đích sử dụng đất mà chỉ quy định rất sơ sài và gián tiếp về chuyển mục đích sử dụng đất thông qua quy định về thẩm quyền giao đất để sử dụng vào mục đích không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
  • Tại Luật sửa đổi, bổ sung năm 2001 quy định bổ sung Điều 24a, 24b về các trường hợp cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng cũng chưa đưa ra khái niệm nào về chuyển mục đích sử dụng đất.
  • Trong Luật đất đai năm 2003 cũng chưa có một khái niệm chính thức về chuyển mục đích sử dụng đất.
  • Tại quy định mới nhất hiện hành là Luật đất đai năm 2013 cũng không đưa ra một khái niệm cụ thể về chuyển mục đích sử dụng đất mà chỉ đề cập đến các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất.
  • Một số trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì người sở hữu đất mới được chuyển mục đích sử dụng đất.

Khi nào chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền?

Điều kiện để chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013, các trường hợp sau đây khi chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan có thẩm quyền:

  • Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
  • Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
  • Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
  • Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
  • Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;
  • Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
  • Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ;
  • Chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

Chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, các trường hợp sau đây khi chuyển mục đích sử dụng đất thì không phải xin phép nhưng phải đăng ký biến động, bao gồm: 

  • Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;
  • Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm;
  • Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm;
  • Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở;
  • Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ;
  • Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sang đất xây dựng công trình sự nghiệp.
Chuyển đổi mục đích sử dung đất không phải xin phép nhưng vẫn phải đăng ký biến động

Nghĩa vụ tài chính đối với hộ gia đình, cá nhân phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng đất

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP và Điều 5 Thông tư 76/2014-TT-BTC (sửa đổi bổ sung bởi Điều 3, Thông tư 10/2018/TT-BTC) , người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất trong trường hợp phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất như sau:

Thứ nhất, nộp 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

  • Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở theo quy định tại Khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai sang làm đất ở;
  • Chuyển từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở.

Thứ hai, nộp bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở.

Ngoài ra, đối với các trường hợp khác xem thêm tại các văn bản trên.

Để chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì đất cần phải đáp ứng những điều kiện mà pháp luật quy định. Quý bạn đọc cần được hỗ trợ tư vấn về thủ tục, giấy tờ liên quan hoặc nhưng quy định pháp luật về mục đích sử dụng đất, hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn và hỗ trợ tốt hơn. Xin chân thành cảm ơn./.

Có thể bạn quan tâm:

4.5 (12 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 894 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *