Luật Dân sự

Tranh chấp đã bị tòa đình chỉ có khởi kiện lại được không?

Khởi kiện lại trong vụ án tranh chấp dân sự đã bị tòa đình chỉ là một trong những vấn đề pháp lý được nhiều bạn đọc quan tâm. Để hiểu thêm quy định của pháp luật về ĐÌNH CHỈ trong tố tụng dân sự và các trường hợp nguyên đơn được quyền khởi kiện lại trong vụ án dân sự, quý bạn đọc hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết dưới đây.

Nộp đơn khởi kiện lại

Nộp đơn khởi kiện lại

Đình chỉ trong tố tụng dân sự

Đình chỉ trong tố tụng dân sự được hiểu theo nghĩa KẾT THÚC việc xét xử, giải quyết vụ án khi có những căn cứ do pháp luật quy định. Tùy vào từng giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án dân sự cũng như tùy vào các căn cứ trên thực tế, Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ xét xử phúc thẩm hay đình chỉ xét xử một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của đương sự.

Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 đã quy định đầy đủ và chi tiết về các trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ.

Đình chỉ giải quyết vụ án

Khoản 1 Điều 217 và điểm b khoản 1 Điều 299  Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định các trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án dân sự như sau:

  • Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;

  • Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;

  • Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;

  • Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;

  • Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này. Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

  • Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết;

  • Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý;

  • Nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không đề nghị xét xử vắng mặt; Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập
  • Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

    .
Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án

Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án

Đình chỉ xét xử phúc thẩm

Điều 289 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định các trường hợp đình chỉ xét xử phúc thẩm bao gồm:

  • Nguyên đơn, bị đơn không còn tồn tại, quyền và nghĩa vụ của họ không được thừa kế (điểm a khoản 1 Điều 289)
  • Cơ sở để thực hiện thủ tục xét xử phúc thẩm không còn do các chủ thể có quyền rút kháng cáo, kháng nghị (khoản 2, khoản 3, điểm b, c khoản 1 Điều 289)

Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ

Đình chỉ giải quyết vụ án

  • Vụ án sẽ không được tiếp tục giải quyết, người khởi kiện sẽ không được quyền khởi kiện lại (trừ trường hợp được đề cập trong mục dưới đây).
  • Tiền tạm ứng án phí của đương sự sẽ được sung công quỹ hoặc trả lại cho người nộp tùy thuộc vào các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 218.
  • Đương sự có quyền kháng cáo hoặc Viện kiểm soát có thể kháng nghị phúc thẩm đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

>>> Xem thêm: THỦ TỤC KHÁNG CÁO QUYẾT ĐỊNH ĐÌNH CHỈ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN

Đình chỉ xét xử phúc thẩm

  • Hội đồng xét xử sẽ dừng việc xét xử phúc thẩm, công nhận bản án sơ thẩm. Khi đó, thời điểm Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm cũng là thời điểm bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị bắt đầu có hiệu lực pháp luật.
  • Tương tự như quyết định giải quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Quyền khởi kiện lại trong tố tụng dân sự

Theo nguyên tắc chung, sau khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, người khởi kiện sẽ không có quyền khởi kiện lại nếu các thông tin về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ tranh chấp không có thay đổi. Hơn nữa, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 chỉ quy định về các trường hợp khởi kiện lại khi bị Tòa án trả lại đơn khởi kiện mà không quy định thành điều luật đối với các trường hợp được quyền khởi kiện lại khi bị Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, dựa vào những lập luận và phân tích ở trên có thể suy ra các trường hợp đương sự có quyền khởi kiện lại như sau:

  • Khi bị tòa án ra quyết định đình chỉ vì lý do người khởi kiện chưa có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, người khởi kiện có thể nộp đơn khởi kiện lại khi đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.
  • Khi bị tòa án ra quyết định đình chỉ vì lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật, người khởi kiện có thể nộp đơn khởi kiện lại khi đã đủ điều kiện khởi kiện.
  • Khi bị tòa án ra quyết định đình chỉ vì lý do không xác định được địa chỉ mới của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người khởi kiện có thể nộp đơn khởi kiện lại khi đã xác định được địa chỉ mới của những người đó (hướng dẫn tại khoản 4, điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP.

Quy định về thời hiệu khởi kiện lại

Thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Ngoài các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015, cách tính thời hiệu, thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện, thời gian không được tính vào thời hiệu khởi kiện, quy định về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương X Bộ luật Dân sự 2015.

>>> Xem thêm: THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRANH CHẤP KINH DOANH THƯƠNG MẠI

Khởi kiện lại đối với tranh chấp di sản thừa kế

Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP,

Đối với những vụ án tranh chấp di sản thừa kế trước ngày 01/01/2017 hoặc những vụ án chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hiệu 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01/01/2017, khi bị tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do hết thời hiệu khởi kiện nhưng theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 về thời hiệu thừa kế (khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688) thì vẫn còn thời hiệu khởi kiện, nguyên đơn có quyền khởi kiện lại.

Khởi kiện lại vụ án tranh chấp di sản thừa kế

 

Khởi kiện lại vụ án tranh chấp di sản thừa kế

Tuy nhiên, cùng là những vụ án đó nhưng đã được Tòa án giải quyết bằng Bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật (trừ quyết định trong trường hợp trên), người khởi kiện không có quyền khởi kiện lại.

Với đội ngũ Luật sư dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực dân sự, Công ty Luật Long Phan PMT xin hỗ trợ khách hàng trong những công việc sau đây:

  • Tư vấn về các trường hợp khởi kiện lại trong tố tụng dân sự
  • Tư vấn về các trường hợp khởi kiện lại khi bị Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án
  • Tư vấn về các quy định liên quan thời hiệu khởi kiện
  • Soạn thảo đơn khởi kiện
  • Đại diện theo ủy quyền trong các vụ án dân sự

Trên đây là toàn bộ bài viết tư vấn chi tiết của chúng tôi về những trường hợp được nộp đơn khởi kiện lại khi bị Tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Nếu quý bạn đọc có bất cứ khó khăn, thắc mắc liên quan đến các quy định về khởi kiện lại hoặc cần tư vấn luật dân sự có thể gọi ngay vào hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn miễn phí. Xin cảm ơn!

4.7 (16 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 754 bài viết