Luật Dân sự

Thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam

Thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Namthủ tục cần thiết cho người dân khi trong nhiều trường hợp khác nhau bị mất quốc tịch Việt Nam và có nhu cầu xin được nhập lại quốc tích Việt Nam. Vậy điều kiện để được xin trở lại quốc tịch Việt Nam là gì? Hồ sơ, trình tự thực hiện thủ tục như thế nào? Bài viết dưới đây Chuyên Tư Vấn Luật xin tư vấn cụ thể cho quý khách hàng như sau:

Xin trở lại quốc tịch Việt Nam

Điều kiện để được xin trở lại quốc tịch Việt Nam

Căn cứ Điều 23, Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi bổ sung 2014 quy định các trường hợp được xin trở lại quốc tịch Việt Nam bao gồm:

  1. Công dân đã mất quốc tịch Việt Nam mà có căn cứ mất quốc tịch từ:
  • Được thôi quốc tịch Việt Nam.
  • Bị tước quốc tịch Việt Nam.
  • Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 và Điều 35 của Luật này.
  • Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

  • Xin hồi hương về Việt Nam;
  • Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;
  • công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
  • Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
  • Thực hiện đầu tư tại Việt Nam;
  • Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.
  1. Việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam không làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
  2. Sau ít nhất 5 năm, kể từ ngày bị tước quốc tịch mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
  3. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây, tên gọi này phải được ghi rõ trong Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

Có được giữ quốc tịch cũ khi xin trở lại quốc tịch Việt Nam?

Theo Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi bổ sung 2018 quy định thì nước ta chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Khoản 3 Điều 19 Luật quốc tịch đã ghi rõ Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước, trừ trường hợp quy định khác.

Căn cứ quy định tại Điều 9 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây thì được coi là trường hợp đặc biệt và được trình Chủ tịch nước xem xét việc cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài:

  • Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
  • Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
  • Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
  • Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng.
  • Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, nếu thuộc một trong trường hợp được nêu trên thì người Việt Nam sẽ được giữ quốc tịch cũ khi xin trở lại quốc tịch Việt Nam

Nộp hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam ở đâu?

Nếu cư trú ở trong nước thì Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp, nơi người đó cơ trú;

Nếu cư trú ở nước ngoài thì nộp hồ sơ tại Đại sứ quán, lãnh sự quán của Việt Nam theo phạm vi địa bàn mà cơ quan đó phụ trách.

Hồ sơ, thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam

Một số giấy tờ cần thiết trong hồ sơ

Căn cứ Điều 24 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi bổ sung 2014 quy định thì người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải chuẩn bị hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam gồm có các giấy tờ sau đây:

  • Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam;
  • Bản sao Giấy khai sinh,Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;
  • Bản khai lý lịch;
  • Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
  • Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam;
  • Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam

Đơn xin trở lại quốc tịch 

Trình tự thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đã nêu ở trên

Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền

Trong trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo ngay để người xin trở lại quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Bước 3: Thẩm tra và chuyển hồ sơ xác minh

  • Trong thời hạn 5 ngày làm việc, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
  • Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp.
  • Sở Tư pháp tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam.Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  • Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
  • Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thẩm tra và chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất về việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam về Bộ Ngoại giao để chuyển đến Bộ Tư pháp.

Bước 4: Bộ Tư pháp và Văn phòng Chủ tịch nước tiếp nhận hồ sơ giải quyết

Bước 5: Bộ Tư pháp thông báo kết quả giải quyết

Bước 6: Người đề nghị căn cứ ngày hẹn trên biên nhận đến nhận kết quả giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Sở Tư pháp

>>Xem thêm: Trình tự, thủ tục ly hôn khi hai người còn quốc tịch Việt Nam nhưng đều ở nước ngoài

Lệ phí phải trả khi xin trở lại quốc tịch Việt Nam

Lệ phí thực hiện thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam

Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải nộp một khoản lệ phí là 2.500.000đ cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ (Điều 4 Thông tư 281/2016/TT-BTC). Một số trường hợp được miễn nộp phí, lệ phí xin nhập quốc tịch Việt Nam, xin trở lại quốc tịch Việt Nam được quy định tại Điều 5 Thông tư 281/2016/TT-BTC.

Trên đây là nội dung giải đáp thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bài viết hoặc muốn tư vấn luật dân sự xin vui lòng liên hệ Luật sư sư dân sự của chúng tôi thông qua HOTLINE: 1900.63.63.87 để được tư vấn KỊP THỜI. Xin cám ơn.

4.5 (11 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 823 bài viết