Luật Dân sự

Thủ tục khởi kiện hủy kết quả đấu giá tài sản thế chấp ngân hàng

Thủ tục đấu giá tài sản thế chấp ngân hàng được quy định rất chặt chẽ, tuy nhiên, trên thực tế kết quả đấu giá tài sản bị hủy trong một số trường hợp. Thủ tục khởi kiện hủy kết quả đấu giá tài sản thế chấp ngân hàng được thực hiện thế nào? Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ làm rõ về vấn đề này.

 

Hủy kết quả đấu giá tài sản thế chấp ngân hàng là nhà đất
Hủy kết quả đấu giá tài sản thế chấp ngân hàng là nhà đất.

Những quy định pháp lý liên quan đến hủy kết quả đấu giá tài sản

Khi nào hủy kết quả bán đấu giá tài sản?

Các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản được quy định tại Điều 72 Luật đấu giá tài sản 2016, cụ thể:

Theo thỏa thuận;

Về đối tượng THỎA THUẬN:

  • Giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản;
  • Giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá.

Về nội dung thỏa thuận:

  • Về việc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Về ngoại lệ:

  • Trường hợp gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì không được phép thỏa thuận.

Bị Tòa án tuyên bố vô hiệu;

Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luật về dân sự trong trường hợp người trúng đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 của Luật đấu giá tài sản 2016.

Có vi phạm trong quá trình đấu giá;

  • Thứ nhất, hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản bị hủy bỏ theo quy định tại khoản 6 Điều 33 của Luật này.
  • Thứ hai, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên có hành vi thông đồng, móc nối, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản.

Theo quyết định xử phạt hành chính.

  • Theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp đấu giá tài sản nhà nước khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 33 của Luật này.

>>> Xem thêm: Xử lý như thế nào khi ngân hàng làm lộ thông tin tài khoản khách hàng?

Hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá tài sản

Một buổi đấu giá thực tế
Một buổi đấu giá thực tế.
  • Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
  • Tuy nhiên, quy định trên không áp dụng đối với trường hợp người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản hoặc giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá có thỏa thuận hủy.

>>> Xem thêm: Trình tự thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất 

Thẩm quyền hủy kết quả đấu giá tài sản

Theo quy định tại Điều 72 Luật đấu giá tài sản 2016, những chủ thể có quyền hủy kết quả bán đấu giá tài sản bao gồm:

  • Người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá thông qua thỏa thuận hủy
  • Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền bằng một bản án có hiệu lực
  • Người có tài sản đấu giá khi hợp đồng khoản 6 Điều 33 Luật đấu giá tài sản 2016;
  • Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bằng quyết định.

Thủ tục khởi kiện hủy kết quả đấu giá tài sản như thế nào?

Ai có quyền khởi kiện hủy kết quả đấu giá tài sản?

Người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên “có quyền khởi kiện yêu cầu” Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản.

Chỉ người mua tài sản bán đấu giá và chấp hành viên mới có quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả đấu giá tài sản
Chỉ người mua tài sản bán đấu giá và chấp hành viên mới có quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả đấu giá tài sản

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết

Theo quy định tại khoản 13 Điều 26 và Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi thi hành án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ án.

Trình tự, thủ tục khởi kiện

1. Sau khi xác định Tòa án có thẩm quyền, người khởi kiện gửi hồ sơ khởi kiện gồm đến Tòa án:

  • Đơn khởi kiện (phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự);
  • Bản sao các giấy tờ chứng minh nhân thân người khởi kiện;
  • Các tài liệu, chứng cứ khác hiện có để chứng minh yêu cầu khởi kiện.

2. Tòa án có trách nhiệm cấp ngay cho người khởi kiện giấy xác nhận đã nhận đơn.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện có đủ điều kiện thụ lý hay không.

Đồng thời, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện để người khởi kiện đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.

5. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Khi đó, Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án và giải quyết vụ án theo đúng trình tự pháp luật.

Nếu Quý bạn đọc có thắc mắc về vấn đề trên hoặc muốn được tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87. Trân trọng!

4.7 (15 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 755 bài viết