Thủ tục đại diện người tâm thần kiện đòi tài sản là việc người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện các quyền của người đại diện hợp pháp để đòi lại tài sản của người được giám hộ. Đây là trách nhiệm của người đại diện khi xét thấy tài sản của người tâm thần bị xâm phạm.
Mục Lục
Người tâm thần theo quy định của pháp luật
Người bị bệnh tâm thần (rối loạn tâm thần) có thể hiểu là người mất khả năng cư xử cũng như phát triển bình thường.
Xét về mặt pháp lý, khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần của các y, bác sĩ (Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015)
Mời bạn đọc tham khảo: Bàn về quá trình giám định pháp y tâm thần
Vậy một người được xem là bị tâm thần (hay bị mất năng lực hành vi dân sự) khi CÓ QUYẾT ĐỊNH CÓ HIỆU LỰC CỦA TÒA ÁN tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Người đại diện trong tố tụng dân sự
Căn cứ vào Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền.
Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Người giám hộ chính là người đại diện hợp pháp của người mất năng lực hành vi dân sự.
Trong đó giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân (theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật dân sự 2015) được chỉ định để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của:
- Người chưa thành niên,
- Người mất năng lực hành vi dân sự,
- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).
Trường hợp người GIÁM HỘ ĐƯƠNG NHIÊN của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
- Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
- Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
- Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.
Trường hợp có tranh chấp về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.
Quy trình đại diện người bị tâm thần để kiện đòi tài sản
Nếu trong vụ án kiện đòi tài sản mà đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Theo đó, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của người tâm thần hay việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện, ở đây là người giám hộ (điểm d khoản 1 Điều 57 Bộ luật dân sự 2015).
Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Căn cứ theo Điều 20 Luật hộ tịch 2014, đăng ký giám hộ cho người tâm thần được quy định như sau:
- Nộp tờ khai đăng ký giám hộ và văn bản cử người giám hộ (hoặc giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên) cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu thấy đủ điều kiện thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ hộ tịch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
- Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên.
Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (điểm c khoản 1 Điều 58 Bộ luật dân sự 2015).
Vậy khi người giám hộ của người tâm thần xét thấy quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người được giám hộ bị xâm phạm thì có quyền thay mặt người bị tâm thần thực hiện thủ tục khởi kiện theo quy định trên.
- Bước 1: Người đại diện người bị tâm thần viết đơn khởi kiện theo điểm b khoản 2 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
- Bước 2: Xác định Tòa án có thẩm quyền để gửi đơn khởi kiện: Tòa án nơi bị đơn cư trú, nếu tài sản là bất động sản thì gửi Tòa án nơi có bất động sản;
- Bước 4: Nộp đơn trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có);
- Bước 5: Tòa án nhận và xử lý đơn.
Trên đây là bài viết hướng dẫn thủ tục của chúng tôi. Quý khách hàng có nhu cầu được tư vấn pháp lý, xin vui lòng gọi ngay qua hotline 1900 63 63 87 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn./.