Luật Dân sự

Thủ Tục Kiện Đòi Tài Sản Bị Chiếm Đoạt Trái Phép?

Tài sản là vấn đề trọng tâm, cơ bản của mọi quan hệ xã hội và quan hệ pháp luật. Nhà nước công nhận, bảo đảm, tôn trọng quyền tài sản là cơ sở, tiền đề thúc đẩy các quan hệ dân sự và giao lưu thương mại ngày càng phát triển. Theo đó, Bộ luật Dân sự đã ghi nhận quyền tài sản của cá nhân, tổ chức khi họ xác lập quyền sở hữu một cách hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tiễn luôn xảy ra tình trạng tài sản thuộc sở hữu của một chủ thể bị người khác chiếm đoạt một cách trái phép. Vì vậy, dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn thủ tục kiện đòi tài sản bị chiếm đoạt trái phép theo quy định hiện hành như thế nào?

                                                    Người bị chiếm đoạt trái phép tài sản có thể khởi kiện tại Tòa án để đòi lại tài sản

>>Xem thêm:Thủ tục khởi kiện người lao động tự ý nghỉ việc giữ tài sản của công ty không trả

Quyền sở hữu tài sản hiện hành? Căn cứ xác lập?

Thông thường trong cuộc sống hằng ngày, thì tài sản là những vật, của cải mà do con người làm ra, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 105 BLDS 2015 thì tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Theo đó, giấy tờ có giá chẳng hạn như hối phiếu đòi nợ, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu và quyền tài sản như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ. Bằng một cách khác, tài sản còn được phân thành bất động sản như đất đai, nhà ở, công trình xây dựng và động sản.Theo quy định tại Điều 158 BLDS 2015 thì quyền sở hữu tài sản bao gồm:

Thứ nhất, quyền chiếm hữu đây là quyền mà chủ thể thực hiện quản lý, nắm giữ và chi phối tài sản đang trong sự kiểm soát của mình.Thứ hai, quyền sử dụng đây là quyền mà chủ thể khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản mà mình đang sử dụng.Cuối cùng, quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu tài sản hoặc tiêu hủy làm chấm dứt sự tồn tại của tài sản.Căn cứ Điều 221 BLDS 2015 thì chủ thể được xác lập quyền ở hữu tài sản trong các trường hợp: do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thu hoa lợi, lợi tức; tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến; được thừa kế; chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên; chiếm hữu, được lợi về tài sản; một số trường hợp khác do luật định.

Chiếm đoạt trái phép tài sản? Quyền kiện đòi tài sản?

                                                          Bị chiếm đoạt trái phép tài sản, quyền khởi kiện đòi lại tài sản

Theo quy định tại khoản 1 Điều 165 BLDS 2015 thì việc chiếm hữu có căn cứ pháp luật nghĩa là người chiếm hữu thực sự có quyền chiếm hữu đối với tài sản của mình, bao gồm các trường hợp: chủ sở hữu chiếm hữu tài sản; người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản; người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật; người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm; người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc; một số trường hợp khác theo pháp luật.

Như vậy, theo phương pháp loại trừ thì chủ thế chiếm hữu tài sản không thuộc trường hợp trên đều bị xem là chiếm hữu trái luật. Do đó, chủ sở hữu thực sự có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 166 và Điều 170 BLDS.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của mình, cần phải lưu ý hai quy định quan trọng sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 236 BLDS thì người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó. Như vậy, sau thời hạn này thì chủ sở hữu sẽ không còn quyền sở hữu đối với tài sản của mình, đương nhiên không thể kiện đòi lại được.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 167 thì chủ sở hữu không có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký từ người chiếm hữu ngay tình trường hợp họ có được tài sản thông qua hợp đồng đến bù và tài sản không bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác ngoài ý chí của chủ sở hữu. Đối với động sản phải đăng ký hoặc bất động sản thì chủ sở hữu cũng không được đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình khi tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước hoặc nhận được thông qua bán đấu giá, quyết định của cơ quan nhà nước theo khoản 2 Điều 133.

Trình tự, thủ tục kiện đòi tài sản bị chiếm đoạt trái phép?

kiện đòi tài sản bị chiếm đoạt trái phép?
Trình tự, thủ tục khởi kiện đòi lại tài sản bị chiếm đoạt tài sản trái phép

Khi chủ sở hữu cho rằng tài sản của mình bị chiếm đoạt trái phép, hậu quả dẫn đến quyền và lợi ích bị xâm phạm thì có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân giải quyết. Tuy nhiên, không như những trường hợp khác, thông thường Tòa án nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền. Đối với tranh chấp là bất động sản thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết. Mặt khác, nếu như tranh chấp bất động sản là tranh chấp đất đai thì cả Ủy ban nhân dân và Tòa án nhân dân đều có thẩm quyền giải quyết theo Điều 202 Luật Đất đai 2013. Để khởi kiện ra Tòa án thì các đương sự phải tiến hành hòa giải tại cấp cơ sở, nếu không thành thì Tòa án mới thụ lý đơn giải quyết tranh chấp.

Theo đó, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về kiện đòi lại tài sản sẽ được quy định tại BLTTDS 2015 như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 186 BLTTDS 2015 thì cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về việc kiện đòi lại tài sản.

Thứ hai, cá nhân, tổ chức làm Đơn khởi kiện với nội dung theo Điều 189 BLTTDS 2015 gửi đến Tòa án có thẩm quyền.

Thứ ba, sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí và Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án.

Thứ tư, sau khi thụ lý vụ án Tòa án sẽ xem xét và chuẩn bị xét xử vụ án. Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ tiến hành phiến họp kiểm tra giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải. Sau đó, Tòa án sẽ ban hành các quyết định như công nhận hòa giải thành, tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, nếu vụ án không rơi vào trường hợp này thì Thẩm phán phải quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Quyền sở hữu là một quyền cơ bản của mỗi cá nhân, được ghi nhận tại Hiến pháp và các văn bản Luật khác, được Nhà nước tôn trọng và bảo hộ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do là tài sản của họ bị người khác chiếm đoạt một cách trái pháp luật, dẫn đến quyền lợi của họ bị xâm phạm. Do đó, chủ sở hữu cần khởi kiện tại Tòa án để đòi lại tài sản và bảo vệ quyền lợi của mình.

Trên đây là nội dung tư vấn về Thủ tục kiện đòi tài sản bị chiếm đoạt trái phép?Trường hợp Quý khách hàng có bất cứ thắc mắc về nội dung bài viết hay cần hỗ trợ pháp luật, vui lòng liên hệ Chuyên Tư Vấn Luật thông qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

4.6 (16 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 755 bài viết