Gần đây, mạng xã hội đang “dậy sóng” với việc một số nghệ sĩ đã dùng tài khoản cá nhân để nhận quyên góp từ thiện nhưng sao kê không rõ ràng. Sao kê tài khoản khi nhận tiền quyên góp từ thiện, quyền hay nghĩa vụ đến nay vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc của Quý bạn đọc, kính mời các bạn cùng theo dõi.
Hoạt động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung
Mục Lục
- Chủ thể nào có quyền kêu gọi quyên góp từ thiện?
- Quan hệ giữa người ủng hộ và người quyên góp từ thiện về bản chất pháp lý là gì?
- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ quyên góp từ thiện
- Chủ thể nào có quyền yêu cầu người kêu gọi quyên góp từ thiện sao kê tài khoản?
- Có được chỉ trích người kêu gọi quyên góp từ thiện trên mạng xã hội?
- Quan điểm của Luật sư Chuyên Tư Vấn Luật về việc sao kê tài khoản ngân hàng làm từ thiện
Chủ thể nào có quyền kêu gọi quyên góp từ thiện?
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm thì các đơn vị, tổ chức được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ bao gồm:
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương;
- Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của mình theo quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện;
- Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Tuy nhiên, theo Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) quy định về giao kết hợp đồng ủy quyền thì hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền phải trả thù lao (nếu có). Bên cạnh đó pháp luật cũng quy định cá nhân, pháp nhân có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận miễn là không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Như vậy có thể thấy cá nhân, tổ chức vẫn có thể ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện từ thiện, miễn là không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội với điều kiện là cá nhân phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và tổ chức phải có tư cách pháp nhân.
Quan hệ giữa người ủng hộ và người quyên góp từ thiện về bản chất pháp lý là gì?
Căn cứ theo quy định tại các Điều 134 và 562 BLDS 2015 có thể xác định rằng mối quan hệ giữa người ủng hộ/người quyên góp và người nhận tiền quyên góp làm từ thiện về bản chất pháp lý là quan hệ đại diện theo ủy quyền.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ quyên góp từ thiện
Bên nhận tiền quyên góp
Bên nhận tiền quyên góp mang bản chất là bên được ủy quyền nên có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 565 và 566 BLDS 2015, cụ thể như sau:
Về quyền:
- Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền;
- Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền hoặc có quyền được hưởng thù lao nếu các bên có thỏa thuận.
Về nghĩa vụ:
- Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc;
- Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền;
- Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền;
- Giữ bí mật thông tin mà mình biết trong khi thực hiện việc ủy quyền;
- Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật;
- Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ.
Bên ủng hộ (bên quyên góp)
Bên ủng hộ (bên quyên góp) mang bản chất là bên ủy quyền nên có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 567 và 568 BLDS 2015, cụ thể như sau:
Về quyền:
- Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền;
- Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền;
- Được bồi thường thiệt hại nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ.
Về nghĩa vụ:
- Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc;
- Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền;
- Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền hoặc trả thù lao cho bên được ủy quyền (nếu có).
Chủ thể nào có quyền yêu cầu người kêu gọi quyên góp từ thiện sao kê tài khoản?
Như đã phân tích ở trên thì chỉ có người ủy quyền mới có quyền yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền và bên được ủy quyền chỉ có nghĩa vụ báo cáo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc.
Như vậy, trong mối quan hệ đại diện ủy quyền để thực hiện quyên góp từ thiện thì chỉ có người ủng hộ mới có quyền yêu cầu người nhận tiền quyên góp báo cáo về công việc được ủy quyền là quyên góp từ thiện và người nhận tiền quyên góp cũng chỉ có nghĩa vụ báo cáo đối với người ủng hộ. Việc báo cáo ở đây có nghĩa là sao kê, báo cáo về các khoản thu, chi của công việc quyên góp từ thiện.
Sao kê tài khoản ngân hàng
Có được chỉ trích người kêu gọi quyên góp từ thiện trên mạng xã hội?
Hiến pháp nước ta quy định bất cứ ai cũng có quyền tự do ngôn luận và có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình (ngay cả trên mạng xã hội), bao gồm cả việc chỉ trích, phê phán những việc làm sai trái. Tuy nhiên, việc chỉ trích người khác trên mạng xã hội cần phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền nhân thân, danh dự, uy tín, nhân phẩm, không được đưa những thông tin sai sự thật hoặc mang tính chất vu khống, bôi nhọ, làm nhục người khác.
Như vậy, việc chỉ trích người kêu gọi quyên góp từ thiện trên mạng xã hội chỉ được phép nếu việc chỉ trích ấy không xâm phạm quyền nhân thân, danh dự, uy tín, nhân phẩm của người đó và đồng thời không được vu khống, bôi nhọ họ. Nếu vẫn vi phạm thì sẽ bị xử lý theo các chế tài như xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm,…
Một bài đăng trên mạng xã hội về đợt bão lũ miền Trung 2020 vừa qua
Quan điểm của Luật sư Chuyên Tư Vấn Luật về việc sao kê tài khoản ngân hàng làm từ thiện
Thời gian gần đây, một số cá nhân (trong đó có các nghệ sĩ) đã đứng ra vận động quyên góp và nhận được số tiền quyên góp rất lớn để ủng hộ đồng bào. Bên cạnh sự hưởng ứng khá mạnh mẽ của xã hội cũng có một số ý kiến khác cho rằng cần có cách thức thực hiện việc quyên góp và sử dụng tiền quyên góp để bảo đảm hợp lý, hiệu quả, minh bạch.
Chúng tôi cho rằng nên công khai, minh bạch số tiền nhận được từ quyên góp vì:
- Đảm bảo người kêu gọi quyên góp đã sử dụng tiền đúng mục đích;
- Việc sao kê tài khoản ngân hàng cũng đồng thời giúp đảm bảo uy tín cho người đứng ra kêu gọi quyên góp và làm tròn nguyện vọng của những mạnh thường quân đã gửi gắm cho họ.
Như vậy, việc sao kê tài khoản khi nhận tiền quyên góp từ thiện là điều cần thiết để đảm bảo tính minh bạch khi kêu gọi quyên góp từ thiện. Mối quan hệ giữa người quyên góp làm từ thiện và người ủng hộ là quan hệ đại diện theo ủy quyền. Bên cạnh đó, chỉ những người quyên góp mới có quyền yêu cầu người kêu gọi quyên góp từ thiện thực hiện sao kê tài khoản.
Trên đây là toàn bộ nội dung về Sao kê tài khoản khi nhận tiền quyên góp từ thiện, quyền hay nghĩa vụ? Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này cần tư vấn vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ nhanh nhất và kịp thời. Xin cảm ơn ./.