Luật Dân sự

Quy trình thụ lý và giải quyết kháng cáo bản án sơ thẩm

Kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm là quyền cơ bản của các đương sự, các đương sự sẽ thực hiện quyền này khi không đồng ý với những phán quyết được đưa ra trong bản án dân sự sơ thẩm trong thời hạn luật định. Bộ luật tố tụng dân sự quy định về Quy trình thụ lý và giải quyết kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm tương đối cụ thể. Qua bài viết dưới đây, Chuyên tư vấn luật sẽ chia sẻ những vấn đề liên quan đến Quy trình thụ lý và giải quyết kháng cáo bản án sơ thẩm. Quy trình thụ lý và giải quyết kháng cáo bản án sơ thẩm

Quy trình thụ lý và giải quyết kháng cáo bản án sơ thẩm

Thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết kháng cáo bản án sơ thẩm

Khoản 7 Điều 272 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015) cho phép các đương sự có thể nộp đơn kháng cáo tại Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án sơ thẩm bị kháng cáo, hoặc Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền kháng cáo. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của Bộ luật này.

Theo quy định này, suy cho cùng Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm đã ra bản án sơ thẩm bị kháng cáo là nơi chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc nhận và tiến hành các thủ tục cần thiết ban đầu trong việc giải quyết kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm trước khi gửi hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo và tài liệu chứng cứ bổ sung kèm theo cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn luật định (Điều 283 BLTTDS 2015) để Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý tiến hành các thủ tục tiếp theo (Điều 285 BLTTDS 2015).

>>>Xem thêm: Diễn biến một phiên tòa sơ thẩm như thế nào? Chi phí nhờ luật sư ngồi một phiên tòa sơ thẩm

Quy trình thụ lý và giải quyết kháng cáo bản án sơ thẩm

Nhận và kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo

Tại khoản 1 Điều 274 BLTTDS 2015 Sau khi nhận được đơn kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo, trường hợp đơn  chưa đúng theo như quy định tại Điều 272 của Bộ luật này thì Tòa án yêu cầu người kháng cáo làm lại hoặc sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo. Trường hợp đơn kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày rõ lý do và xuất trình tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh lý do đó là chính đáng (khoản 2 Điều 274 BLTTDS 2015)

Tòa án có quyền trả lại đơn kháng cáo trong các trường hợp (khoản 4 Điều 274 BLTTDS 2015):

  • Người kháng cáo không có quyền kháng cáo;
  • Người kháng cáo không làm lại đơn kháng cáo hoặc không sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo theo yêu cầu của Tòa án quy định tại khoản 3 Điều này;
  • Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 276 của Bộ luật này.

Thông báo chấp nhận đơn kháng cáo

Khi đã chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo biết về việc kháng cáo (kèm theo bản sao đơn kháng cáo, tài liệu, chứng cứ bổ sung mà người kháng cáo gửi kèm đơn kháng cáo) (khoản 1 Điều 277 BLTTDS 2015)

Gửi hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo đến Tòa án cấp phúc thẩm

Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị và tài liệu, chứng cứ bổ sung kèm theo cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, người kháng cáo đã nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm (Điều 283 BLTTDS 2015)

Tòa án cấp phúc thẩm nhận hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo và vào sổ thụ lý

Sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có) (khoản 1 Điều 285 BLTTDS 2015) Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm sẽ thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa (khoản 2 Điều 285 BLTTDS 2015)

Xem xét và ban hành các quyết định phù hợp đối với kháng cáo

Theo quy định tại khoản 1 Điều 286 BLTTDS 2015 thì trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án (Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng), tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây:

  • Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
  • Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
  • Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Các quyết định của Tòa án

Các quyết định của Tòa án

Đối với trường hợp có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì phải gửi cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định (khoản 2 Điều 290 BLTTDS 2015)

Khi đã có quyết định cụ thể đối với kháng cáo đó thì Tòa án có thẩm quyền sẽ phải chú ý các mốc thời gian dưới đây (Điều 286 BLTTDS 2015):

  • Đối với quyết định đưa vụ án ra xét xử thì lưu ý rằng, trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
  • Đối với quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
  • Thời hạn quy định tại trên này không áp dụng đối với vụ án xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài.

Kháng cáo quá hạn và xem xét kháng cáo quá hạn

Kháng cáo quá hạn thì giải quyết thế nào?

Kháng cáo quá hạn thì giải quyết thế nào?

Thời hạn kháng cáo

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 273 BLTTDS 2015 thì thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

Kháng cáo quá hạn

Kháng cáo quá hạn là kháng cáo quá thời hạn quy định như trên (khoản 1 Điều 275 BLTTDS 2015). Quy trình xem xét kháng cáo quá hạn diễn ra qua các bước sau đây:

  • Bước 1: Nhận đơn kháng cáo quá hạn;
  • Bước 2: Tòa án sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án phúc thẩm;
  • Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn phải có mặt đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp người kháng cáo, Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp;
  • Bước 4: Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định. Tòa án phúc thẩm phải gửi quyết định cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án  sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp; nếu Tòa án phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì Tòa án sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục theo Bộ luật này quy định.

Hậu quả của việc kháng cáo bản án sơ thẩm

Bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định và cho thi hành ngay. Còn đối với những bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị (Điều 282 BLTTDS 2015). Quy định này đã góp phần thúc đẩy ý thức chủ động của các đương sự, nó đòi hỏi đương sự sẽ phải suy nghĩ thật kỹ lưỡng, cẩn trọng trước khi thực hiện việc kháng cáo

Luật sư tư vấn thủ tục kháng cáo theo pháp luật tố tụng dân sự

  • Tư vấn phương án giải quyết vụ việc, thời hạn, thời hiệu kháng cáo
  • Hỗ trợ, soạn thảo, chuẩn bị đơn kháng cáo, hồ sơ kháng cáo
  • Trực tiếp tham gia giải quyết tranh chấp với tư cách đại diện theo ủy quyền hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
  • Cử luật sư đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trước tòa án;

>>>Xem thêm: Thời Hạn Kháng Cáo Bản Án Dân Sự Sơ Thẩm

>>>Xem thêm: Hướng giải quyết của Tòa án phúc thẩm trong vụ án dân sự có kháng cáo

Trên đây là các quy định của pháp luật liên quan đến Quy trình thụ lý và giải quyết kháng cáo bản án sơ thẩm. Hy vọng bài viết này sẽ mang đến những thông tin hữu ích cho Quý khách hàng. Trường hợp Quý khách hàng còn có thêm những vướng mắc về thủ tục thì đừng ngần ngại, hãy gọi ngay đến số Hotline 1900.63.63.87 để được Tư vấn luật dân sự. Xin cảm ơn./.

4.6 (11 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 755 bài viết