Luật Hợp Đồng

Phạt Hợp Đồng Bao Nhiêu Do Các Bên Thỏa Thuận Hay Theo Quy Định Của Pháp Luật

Phạt vi phạm hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Đây là một chế tài khá phổ biến trong quan hệ hợp đồng, trước đây được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, mức phạt vi phạm được quy định ở các luật là khác nhau. Như vậy, việc phạt hợp đồng bao nhiêu là do các bên thỏa thuận hay theo quy định pháp luật? Hãy đọc bài viết để tham khảo kĩ hơn về vấn đề này nhé.

Thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng

Phạt hợp đồng bao nhiêu là do các bên thỏa thuận hay theo quy định của pháp luật ?

1.   Điều kiện phạt hợp đồng là gì?

Hợp đồng dân sự

Đối với hợp đồng dân sự thì mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên tự do thỏa thuận (không bị khống chế mức tối đa), tại Điều 418 Bộ luật dân sự 2015 có quy định cụ thể:

  • Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
  • Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
  • Các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
  • Trường hợp các bên có thoả thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Hợp đồng thương mại

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm theo quy định tại Điều 301 Luật thương mại 2005:

  • Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.

Hợp đồng xây dựng

Mức phạt trong hợp đồng xây dựng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm, căn cứ theo quy định tại Điều 146 Luật xây dựng 2014 thì:

  • Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng.
  • Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác.

Như vậy việc xác định mức phạt hợp đồng bao nhiêu là do các bên tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức phạt mà pháp luật quy định. Tùy theo từng loại hợp đồng sẽ có quy định riêng của pháp luật điều chỉnh cụ thể cho từng mức phạt hợp đồng.

Vì vậy, các bên khi vi phạm, giao kết hoặc muốn hủy bỏ một hợp đồng, cần xét tới những điều khoản phạt vi phạm cần thiết. Bởi quy định của pháp luật hiện hành không quy định cụ thể mức phạt tương ứng mà đề cao sự thỏa thuận lựa chọn giữa các bên trong hợp đồng hơn.

2.   Có được đồng thời yêu cầu phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Yêu cầu phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Chế tài phạt vi phạm hợp đồng:

  • Căn cứ phát sinh: Có thỏa thuận/ có hành vi vi phạm hợp đồng.
  • Giá trị bồi thường: Căn cứ vào mức phạt vi phạm, nhưng không quá 8% giá trị nghĩa vụ vi phạm.
  • Thực hiện chế tài: Theo hợp đồng.
  • Mục đích áp dụng: Ngăn ngừa các vi phạm có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Chế tài bồi thường thiệt hại:

  • Căn cứ phát sinh: Có hành vi vi phạm hợp đồng.
  • Giá trị bồi thường: Bao gồm giá trị tổn thất trực tiếp và khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng.
  • Thực hiện chế tài: Bên bị vi phạm phải chứng minh tổn thất và đã thực hiện hành động hạn chế tổn thất.
  • Mục đích áp dụng: Khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây nên.

Từ những phân tích trên, cùng với quy định tại Điều 418 BLDS 2015 thì “Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”.

Như vậy, chỉ trừ khi trong hợp đồng có thỏa thuận thì bên bị vi phạm nghĩa vụ mới có quyền vừa yêu cầu phạt hợp đồng vừa yêu cầu bồi thường thiệt hại.

3.   Thỏa thuận về chế tài phạt vi phạm hợp đồng bị vô hiệu khi nào?

Chế tài cho phạt vi phạm hợp đồng theo thỏa thuận của các bên

Mức phạt hợp đồng được quy định trong luật thành văn khá là hợp lý. Cụ thể như trong hợp đồng thương mại, nếu các bên thỏa thuận mức phạt vi phạm lớn hơn 8% (mức phạt vi phạm được luật quy định) thì thỏa thuận phạt vi phạm sẽ không bị vô hiệu toàn bộ mà chỉ bị vô hiệu một phần đối với mức phạt vượt quá 8% còn điều khoản phạt vi phạm hợp đồng hoàn toàn có hiệu lực. Ngoài ra, nếu thỏa thuận đó vi phạm quy định điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì cũng bị vô hiệu.

Trong trường hợp này có thể áp dụng mức tối đa 8% yêu cầu của bên bị vi phạm, còn phần vượt quá không được chấp nhận (hiện tại không có quy định nào thể hiện nội dung này mà kết luận đưa ra dựa trên thực tế quan điểm được chấp thuận trong các vụ giải quyết tại Tòa án).

Trên đây là bài viết “Quy định về phạt hợp đồng”. Trường hợp bạn đọc có nhu cầu tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ Luật sư Phan Mạnh Thăng qua Hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn và hỗ trợ.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.9 (14 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 727 bài viết