Phân biệt thủ tục định giá và thẩm định giá như thế nào trong vụ án dân sự? Hiện nay định giá và thẩm định giá được rất nhiều người quan tâm. Hai thủ tục giúp xác định thông tin về tài sản nhằm phục vụ quá trình xét xử vụ án dân sự và thi hành án. Vậy định giá và thẩm định giá có những điểm khác nhau nào. Sau đây, chúng tôi xin được trình bày một số thông tin liên quan đến nội dung trên.
Sự khác nhau giữa định giá và thẩm định giá
Mục Lục
Về khái niệm
Theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật giá 2012, định giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quy định giá cho hàng hóa, dịch vụ.
Theo quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật giá 2012, thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá.
Thẩm định là gì?
Như vậy, định giá là việc xác định giá của người có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản đưa ra mức giá có tính áp đặt, chủ quan còn thẩm định giá là việc xác định giá của tài sản trên cơ sở khách quan, không có quyền và lợi ích liên quan giữa tổ chức thẩm định giá và tài sản thẩm định.
Về mục đích, bản chất của định giá và thẩm định giá
Về mục đích: Định giá tài sản để đưa tài sản vào lưu thông trong nền kinh tế thị trường, trên cơ sở đó thúc đẩy thị trường phát triển. Thẩm định giá đánh giá hoặc đánh giá lại giá trị của tài sản để tư vấn cho người yêu cầu thẩm định giá sử dụng vào những mục đích nhất định đã được nêu trong chứng thư thẩm định.
Về bản chất:
- Định giá là việc đánh giá giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định còn thẩm định giá là việc đánh giá hoặc đánh giá lại giá lại giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc theo thông lệ Quốc tế.
- Định giá thông quá các hình thức cụ thể, giá chuẩn khung giá, giá giới hạn còn thẩm định giá chỉ xác định duy nhất một mức giá tài sản tại một địa điểm và thời điểm nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá được đưa ra chủ yếu mang tính tư vấn.
Về nguyên tắc thực hiện định giá, thẩm định giá
Định giá của Nhà nước phải tuân theo nguyên tắc (theo Điều 20 Luật Giá 2012, sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14):
- Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.
- Kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi, riêng giá sản phẩm, dịch vụ công trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được điều chỉnh theo từng thời kỳ quy định tại hợp đồng dự án.
Thẩm định giá theo nguyên tắc (theo Điều 29 Luật Giá 2012):
- Tuân thủ pháp luật, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
- Chịu trách nhiệm về hoạt động thẩm định giá theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực, khách quan của hoạt động thẩm định giá và kết quả thẩm định giá.
- Bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
Về phương pháp thực hiện định giá, thẩm định giá
Phương pháp định giá và thẩm định giá
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 25/2014/TT-BTC ngày 17/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ, phương pháp định giá bao gồm: phương pháp so sánh, phương pháp chi phí.
Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 126/2015/TT-BTC ngày 20/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá việt nam số 08, 09 và 10, có thể suy ra phương pháp thẩm định giá bao gồm: phương pháp so sánh, phương pháp chi phí, phương pháp thu nhập.
Về chủ thể thực hiện định giá, thẩm định giá
Theo khoản 1 Điều 11 Luật Giá 2012, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh; Nhà nước định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Giá 2012, chủ thể thực hiện định giá là doanh nghiệp thẩm định giá.
Về thời điểm thực hiện định giá, thẩm định giá
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong vụ án dân sự, các đương sự có quyền cung cấp giá tài sản đang tranh chấp; thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp; có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án. Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;
- Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản;
- Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá.
Như vậy, trong vụ án dân sự, định giá, thẩm định giá được thực hiện trong các trường hợp nêu trên để tiến hành thu thập chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.
>>Xem thêm: Thủ Tục Thẩm Định Giá Tài Sản Trong Vụ Án Dân Sự
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến Phân biệt thủ tục định giá và thẩm định giá trong vụ án dân sự. Nếu như bạn có bất cứ vướng mắc nào, xin vui lòng liên hệ LUẬT SƯ TƯ VẤN DÂN SỰ qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được tư vấn kịp thời và hỗ trợ tốt nhất. Xin cảm ơn.