Luật Dân sự

Ngân hàng có được thu hồi nợ trước hạn hay không?

Ngân hàng có được thu hồi nợ trước hạn hay không? là một trong những vấn đề được các tổ chức tín dụng quan tâm, đặc biệt khi khách hàng có những dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật cũng như các hành vi vi phạm khác trong các hợp đồng tín dụng. Để hiểu rõ hơn về việc Ngân hàng có được thu hồi nợ khi chưa đến thời hạn đối với các trường hợp trên. Sau đây, Chuyên Tư Vấn Luật xin cung cấp một số thông tin liên quan cụ thể như sau:

thu hồi nợ trước hạn

Thu hồi nợ trước hạn

Quy định pháp luật về thu hồi nợ trước hạn

Theo khoản 1 Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng.

Đồng thời theo khoản 1 Điều 21 Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay.

Lưu ý: Khi Ngân hàng ra quyết định thu hồi nợ trước hạn, tất cả các khoản nợ gốc, lãi, phí, chi phí phải trả (dù đã đến hạn hay chưa đến hạn) theo hợp đồng tín dụng hay các hợp đồng cấp tín dụng khác bên vay đang có với Ngân hàng đều trở thành khoản nợ đến hạn. Do đó, nếu quá thời hạn phải thanh toán được nêu tại thông báo thu hồi nợ trước hạn mà bên vay không thanh toán đầy đủ các khoản nợ thì Ngân hàng có quyền chuyển toàn bộ các khoản còn nợ sang nợ quá hạn và áp dụng lãi suất quá hạn, lãi suất chậm trả đối với các khoản còn nợ đó.

Căn cứ khoản 2 Điều 21 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, thì tổ chức tín dụng có quyền áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật có liên quan.

Trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng vẫn không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng, thì khách hàng có trách nhiệm tiếp tục trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay cho tổ chức tín dụng.

>>>Xem thêm: Thế chấp nhà bị nợ xấu như thế nào thì bị Ngân hàng bán đấu giá tài sản?

Các trường hợp Ngân hàng tiến hành thu hồi nợ trước hạn

Theo đó, Ngân hàng sẽ thực hiện thu hồi nợ trước hạn khi rơi vào các trường hợp thoả thuận trong hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng với khách hàng hoặc theo pháp luật qui định, cụ thể:

  • Tài liệu, thông tin, báo cáo liên quan đến hoạt động kinh doanh, sử dụng vốn vay, mục đích vay vốn, tài sản bảo đảm do bên vay/bên bảo đảm cung cấp được phát hiện là không chính xác, không trung thực, sai sự thật;
  • Bên vay sử dụng vốn vay sai mục đích;
  • Bên bảo đảm vi phạm hợp đồng hoặc xảy ra các trường hợp cần phải xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định tại hợp đồng bảo đảm;
  • Khách hàng không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn các chứng từ chứng minh hoặc liên quan đến việc sử dụng vốn vay theo quy định của Ngân hàng trong từng thời kỳ;
  • Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các yêu cầu, chỉ dẫn của Ngân hàng liên quan đến các công việc nhằm ký kết, thực hiện, duy trì hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm như: công chứng, chứng thực, định giá, bảo hiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, tư vấn xác thực tài sản/giấy tờ, tư vấn giám sát, kiểm kê, quản lý tài sản bảo đảm;
  • Khách hàng không cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời và trung thực các thông tin liên quan đến việc cấp tín dụng như thông tin về nhân thân, tổ chức hoạt động, tình hình tài chính, tài sản và các thông tin khác theo thỏa thuận trong Hợp đồng và các văn bản thỏa thuận có liên quan;
  • Theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc Ngân hàng phải thu hồi nợ trước hạn hoặc phát sinh sự kiện bất khả kháng;
  • Các trường hợp khác theo thoả thuận trong hợp đồng tín dụng của Ngân hàng với khách hàng.

Căn cứ: Thông tư 39/2016/TT-NHNN

các trường hợp thu hồi nợ trước hạn

Các trường hợp thu hồi nợ trước hạn

>>>Xem thêm: Khi nào thì Ngân hàng phát mại tài sản?

Thủ tục thu hồi nợ của Ngân hàng

Bước 1: Ngân hàng phải thông báo cho khách hàng về việc thu hồi nợ trước hạn.

Thời gian thông báo theo thỏa thuận cụ thể trong Hợp đồng giữa các bên

Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm các nội dung sau:

  • Thời điểm thu hồi nợ trước hạn;
  • Số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn;
  • Thời hạn hoàn trả số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn.

Bước 2: Khách hàng thực hiện thủ tục trả nợ trước hạn đối với khoản nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng vay/hợp đồng tín dụng của Ngân hàng hoặc theo quy định pháp luật liên quan.

Trường hợp khách hàng không thực hiện trả đủ số nợ như cam kết trong hợp đồng thì sẽ chuyển sang nợ quá hạn. Dựa trên biện pháp đảm bảo thì nợ quá hạn được chia thành 02 loại:

  • Nợ quá hạn có tài sản đảm bảo: trong trường hợp này, nếu khách hàng không đủ khả năng trả được số tiền đã vay theo hợp đồng thì Ngân hàng có thể thực hiện việc xử lý nợ dựa trên tài sản đã thế chấp.
  • Nợ quá hạn không có tài sản đảm bảo: Đây là trường hợp Ngân hàng cho vay tiền dựa trên uy tín, mức thu nhập, lịch sử tín dụng.. của cá nhân người vay để phục vụ cho các mục đích cá nhân.

Quy trình xử lý nợ quá hạn của ngân hàng sẽ được thực hiện dựa trên 02 nguồn cơ sở pháp lý:

  • Quy định chung của Ngân hàng nhà nước về việc xử lý nợ quá hạn.
  • Quy định riêng tại Điều lệ, Thỏa thuận cho vay và Hợp đồng bảo đảm tiền vay của từng Ngân hàng.

Bước 3: Ngân hàng sẽ áp dụng các biện pháp thu hồi nợ.

Các biện pháp thu hồi nợ sẽ được áp dụng theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật có liên quan như sau:

  • Thương lượng, đàm phán với khách hàng để khách hàng hợp tác trả nợ.
  • Xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ đối với các hợp đồng vay có tài sản bảo đảm.

Đối với biện pháp này ngân hàng cần có văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm tới khách hàng. Sau đó, Ngân hàng sẽ tiến hành việc xử lý tài sản theo Hợp đồng bảo đảm tiền vay mà hai bên đã thoả thuận. Các phương thức xử lý tài sản mà hiện nay pháp luật quy định gồm: bán đấu giá tài sản; ngân hàng tự bán tài sản; ngân hàng nhận tài sản thay thế cho việc trả nợ quá hạn của khách hàng và các phương thức khác mà pháp luật không cấm.

  • Khởi kiện ra cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết thu hồi nợ trong trường hợp khách hàng không có thiện chí trả nợ hoặc cố tình trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

phương thức liên hệ

Phương thức liên hệ

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến Ngân hàng có được thu hồi nợ trước hạn hay không? Nếu như bạn có bất cứ vướng mắc nào hoặc có nhu cầu tìm hiểu thêm xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được tư vấn luật dân sự tư vấn và hỗ trợ. Xin cảm ơn.

4.56 (16 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Hồng Nhung - Luật Sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Hồng Nhung - Luật Sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Cử nhân Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 852 bài viết