Luật Dân sự

Mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ

Mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ được lập ra để các chủ nợ thực hiện yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Việc yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm bảo vệ quyền và lợi ích về tài sản của chủ nợ. Bên cạnh đó, quy định pháp luật về những trường hợp mở thủ tục phá sản, quy trình thực hiện và hồ sơ yêu cầu sẽ được sẽ được giải đáp bởi Chuyên tư vấn luật trong bài viết dưới đây.

Yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ

Khi nào chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản?

Để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải thuộc trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản 2014 quy định về người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau: Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Điều này có nghĩa, chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản bao gồm:

  • Chủ nợ có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.
  • Chủ nợ có bảo đảm một phần là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba mà giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn khoản nợ đó.

Căn cứ pháp lý: Khoản 5, 6 Điều 4 Luật Phá sản 2014

Thời điểm chủ nợ được quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản là hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán hay có thể nói là thời điểm doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

>>> Xem thêm: Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản khi nào?

Quy trình yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ

Hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản

Để yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, chủ nợ cần chuẩn bị hồ sơ yêu cầu gồm những giấy tờ được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 26 Luật Phá sản 2014 như sau:

Thứ nhất, đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Thứ hai, kèm theo đơn phải có chứng cứ để chứng minh những khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Thứ ba, Trường hợp có đề xuất chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ghi rõ tên, địa chỉ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Chủ nợ cần chuẩn bị hồ sơ như trên nhằm đảm bảo quá trình mở thủ tục phá sản diễn ra kịp thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ.

Nộp hồ sơ ở đâu?

Sau khi chuẩn bị hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ nợ cần nộp hồ sơ yêu cầu theo quy định tại Điều 30 Luật Phá sản 2014 như sau: Người có yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền bằng một trong các phương thức sau:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân;
  • Gửi đến Tòa án nhân dân qua bưu điện.

Ngày nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

Như vậy đối chiếu theo quy định này, chủ nợ có thể nộp đơn theo hình thức trực tiếp hoặc thông qua bưu điện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết và tiến hành yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Nộp hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sảnNộp hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản

Các bước yêu cầu mở thủ tục phá sản

Việc mở thủ tục phá sản cần được thực hiện theo trình tự pháp luật về phá sản. Theo đó, quy trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ bao gồm những bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu gồm những loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 26 Luật Phá sản 2014 bao gồm:

  • Đơn yêu cầu (có tên, địa chỉ Quản tài viên nếu có đề xuất)
  • Chứng cứ để chứng minh khoản nợ đến hạn.

Bước 2: Nộp hồ sơ theo Điều 30 Luật Phá sản 2014 đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết. Ngày nộp đơn được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

Bước 3: Xử lý đơn và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Theo Điều 32 Luật Phá sản 2014, Tòa án nhận đơn trong trường hợp đơn hợp lệ và thông báo nộp lệ phí phá sản, tạm ứng án phí (nếu có) hoặc Tòa án thông báo người yêu cầu sửa đổi bổ sung đơn yêu cầu; tiến hành chuyển đơn đến Tòa án có thẩm quyền hay Tòa án trả lại đơn yêu cầu khi cần thiết.

Tòa án nhân dân tiến hành thụ lý đơn khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản, trường hợp được miễn thì thời điểm thụ lý tính từ ngày Tòa án nhận đơn yêu cầu theo quy định tại Điều 38 và Điều 39 Luật Phá sản 2014.

Bước 4: Tòa án ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn theo Điều 42 Luật Phá sản 2014 và thông báo quyết định cho các bên liên quan theo Điều 43 Luật Phá sản 2014, trừ trường hợp tại Điều 105 Luật Phá sản 2014. Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản có hiệu lực thi hành kể từ ngày ra quyết định.

Bước 5: Tiến hành Hội nghị chủ nợ theo quy định từ Điều 75 đến Điều 81 Luật Phá sản 2014.

Tòa án triệu tập Hội nghị chủ nợ trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản hoặc ngày kết thúc việc lập danh sách chủ nợ và thông báo đến các bên liên quan. Hội nghị chủ nợ chỉ được tiến hành khi có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Hội nghị chủ nợ bị hoãn và phải tổ chức lần 02 trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoãn. Hội nghị chủ nợ đưa ra các Nghị quyết đình chỉ giải quyết yêu cầu; áp dụng biện pháp phục hồi kinh doanh hoặc đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã theo Khoản 1 Điều 83 Luật Phá sản 2014.

Bước 6: Tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo Điều 106, Điều 107 và Điều 108 Luật Phá sản 2014. Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản có hiệu lực thi hành kể từ ngày ra quyết định và Tòa án gửi thông báo quyết định cho các bên liên quan về việc phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

>>> Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục phá sản doanh nghiệp

Mẫu đơn xin mở thủ tục phá sản

Để tiến hành yêu cầu mở thủ tục phá sản, người yêu cầu là chủ nợ cần chuẩn bị đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đầy đủ các nội dung được quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Phá sản 2014 bao gồm các nội dung:

  • Ngày, tháng, năm;
  • Tên Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết phá sản;
  • Tên, địa chỉ của người làm đơn;
  • Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản;
  • Khoản nợ đến hạn.

Hiện nay, pháp luật không quy định chi tiết về mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ. Tuy nhiên, chủ nợ khi làm đơn yêu cầu có thể lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Đơn gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết;
  • Có đầy đủ thông tin chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;
  • Dẫn chiếu quy định pháp luật về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ;
  • Trình bày chi tiết, cụ thể đối với khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thực hiện thanh toán;
  • Đề cập yêu cầu mở thủ tục phá sản để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ nợ;
  • Lời cam đoan đối với những nội dung đã trình bày;
  • Ký và ghi rõ họ tên.

Để thuận lợi hơn trong việc viết đơn, quý khách hàng có thể tham khảo mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ bên dưới:

Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sảnĐơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

>>> Tải xuống: Mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Luật sư tư vấn mở thủ tục phá sản của chủ nợ

Khi tiến hành yêu cầu mở thủ tục phá sản, người yêu cầu cần nắm bắt quy trình thực hiện thủ tục cũng như chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để tiến hành mở thủ tục phá sản. Để hiểu rõ hơn về thủ tục này, Luật sư sẽ tư vấn cho khách hàng một số công việc liên quan đến thủ tục mở phá sản của chủ nợ như sau:

  • Những trường hợp chủ nợ được quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản;
  • Mẫu đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản dành cho chủ nợ;
  • Cách viết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
  • Quy trình nộp đơn yêu cầu tại cơ quan có thẩm quyền;
  • Hướng dẫn hoặc trực tiếp thu thập chứng cứ về việc mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp nếu khách hàng có nhu cầu;
  • Hướng dẫn tham gia Hội nghị chủ nợ.

Yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của chủ nợ đối với khoản nợ mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Bài viết trên đây của chúng tôi thông tin đến quý độc giả  những quy định pháp lý liên quan đến yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ. Nếu quý khách hàng có những thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ hotline 1900.63.63.87 hoặc Chuyên tư vấn luật để được hỗ trợ một cách nhanh chóng nhất.

4.8 (13 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 833 bài viết