Lái xe gây chết người doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm gì? là một vấn đề pháp lý luôn được rất nhiều người quan tâm. Việc lái xe gây chết người có phải chỉ là do lỗi của người lái xe? Khi tai nạn xảy ra, người bị tai nạn có thể yêu cầu trách nhiệm từ ai? Tài xế lái xe hay doanh nghiệp vận tải? Để hiểu rõ hơn về các vấn đề này mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết pháp lý sau đây.
Lái xe gây chết người doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm gì?
>>> Xem thêm: Mức phạt đối với hành vi uống rượu bia gây tai nạn giao thông
Mục Lục
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trách nhiệm của người trực tiếp gây ra tai nạn
Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thiệt hại phải bồi thường bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần của người bị thiệt hại.
Trách nhiệm của cơ quan tổ chức nơi người đó làm việc
Doanh nghiệp vận tải có tư cách pháp nhân, vì vậy, căn cứ Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015:
- Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao;
- Nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cả người trực tiếp gây tại nạn và công ty vận tải phải bồi thường cho người bị thiệt hại, gia đình của họ theo các khoản bồi thường được pháp luật quy định.
>>Xem thêm: Đập xe đậu trước nhà có bị khởi tố tội cố ý làm hư hỏng tài sản không?
Bồi thường thiệt hại về vật chất
Thiệt hại về tính mạng theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 thì bao gồm các chi phí sau:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật Dân sự 2015;
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Bồi thường thiệt hại về tinh thần
Thiệt hại về tính mạng theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 thì phải bồi thường một khoản tiền ngoài khoản chi phí bồi thường thiệt hại vật chất để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
>>> Xem thêm: Cho người chưa đủ tuổi mượn xe gây tai nạn: Ai chịu trách nhiệm?
Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự
Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự
>>> Xem thêm: Hướng dẫn khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm sức khỏe
Theo quy định tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 thì phương tiện giao thông vận tải cơ giới được xem là nguồn nguy hiểm cao độ.
Theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
- Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
- Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác
- Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Như vậy, nếu lái xe gây tai nạn thì không phải đương nhiên doanh nghiệp vận tải sẽ chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu giữa doanh nghiệp vận tải và lái xe có thỏa thuận khác thì sẽ căn cứ vào thỏa thuận. Đồng thời, còn căn cứ vào yếu tố lỗi để xác định trách nhiệm thuộc về ai nếu không có thỏa thuận khác.
Xác định trách nhiệm về hình sự
Xác định trách nhiệm hình sự
Trong trường hợp có xảy ra tai nạn giao thông, việc xem xét đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại và trách nhiệm hình sự trước pháp luật sẽ căn cứ vào yếu tố lỗi, bên nào có lỗi trong việc gây ra tai nạn thì bên đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc gây tai nạn của mình.
Trường hợp xác định được lỗi thuộc về người lái xe khi điều khiển ô tô thì căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường của cơ quan CSGT, kết luận của cơ quan CSĐT, lời khai của nhân chứng, kết quả giám định pháp y để xác định xem người điều khiển xe ô tô có thể bị khởi tố theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 hay không.
Trường hợp xác định được lỗi thuộc về chủ sở hữu, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lái xe và phương tiện gây tai nạn giao thông bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 263, 264 Bộ luật Hình sự năm 2015.
>>> Xem thêm: Không đủ tuổi lái xe bị phạt bao nhiêu?
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải khi lái xe gây tai nạn chết người. Nếu có bất kỳ vướng mắc, khó khăn hoặc cần TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ bạn vui lòng liên hệ Tổng đài 1900.63.63.87 để được Luật sư về Dân sự của chúng tôi tư vấn cụ thể. Trân trọng!
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.