Luật Dân sự

Khi nào được yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng dân sự?

Khi nào được yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng dân sự là thắc mắc của rất nhiều người, liên quan đến người tiến hành tố tụng – một trong những chủ thể quan trọng tham gia giải quyết vụ việc dân sự bị thay đổi khi thuộc các trường hợp luật định. Vậy trường hợp nào họ sẽ bị thay đổi khi tiến hành tố tụng. Mời quý bạn đọc cùng chúng tôi theo dõi bài viết này để có cái nhìn rõ nét hơn.

 

Người tiến hành tố tụng bị thay đổi khi nào là thắc mắc thường gặp trong tố tụng dân sự

Người tiến hành tố tụng bị thay đổi khi nào là thắc mắc thường gặp trong tố tụng dân sự

Căn cứ thay đổi người tiến hành tố tụng dân sự

Theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015), người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi:

  • Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.
  • Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.
  • Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Đồng thời, theo tinh thần tại Điều 13 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP có hướng dẫn cụ thể:

  • Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu họ là người thân thích của đương sự (bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) trong vụ án dân sự.
  • Người thân thích của đương sự là người có quan hệ sau đây với đương sự:
    • Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của đương sự;
    • Là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của đương sự;
    • Là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của đương sự;
    • Là cháu ruột của đương sự, mà đương sự là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.
  • Có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ là ngoài trường hợp được quy định thì trong các trường hợp khác (quan hệ tình cảm, thông gia,…) có căn cứ rõ ràng để có thể khẳng định là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
  • Cũng được coi là có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ nếu trong cùng một phiên tòa xét xử Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký Tòa án là người thân thích với nhau hoặc nếu Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên được phân công xét xử phúc thẩm vụ án dân sự có người thân thích là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án đó.

>>Xem thêm: Ai có quyền kháng nghị vụ án dân sự theo thủ tục tái thẩm

Quy định của pháp luật về thay đổi người tiến hành tố tụng dân sự

Ngoài những quy định chung về trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi thì mỗi chủ thể tiến hành tố tụng cũng sẽ phải từ chối hoặc bị thay đổi bởi những căn cứ áp dụng riêng theo quy định pháp luật.

Đối với Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân

Căn cứ quy định tại Điều 53 BLTTDS 2015 thì Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi:

  • Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 52 của Bộ luật này.
  • Họ cùng trong một Hội đồng xét xử (HĐXX) và là người thân thích với nhau; trong trường hợp này, chỉ có một người được tiến hành tố tụng.
  • Họ đã tham gia giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ việc dân sự đó và đã ra bản án sơ thẩm, bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao thì vẫn được tham gia giải quyết vụ việc đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
  • Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

Đối với Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên

Theo quy định tại Điều 54 BLTTDS 2015, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi:

  • Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 52 của Bộ luật này.
  • Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
  • Là người thân thích với một trong những người tiến hành tố tụng khác trong vụ việc đó.

Đối với Kiểm sát viên, Kiểm tra viên

Theo quy định tại Điều 60 BLTTDS 2015, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi:

  • Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 52 của Bộ luật này.
  • Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

 

Người tiến hành tố tụng dân sự sẽ bị thay đổi khi thuộc các trường hợp luật định

Người tiến hành tố tụng dân sự sẽ bị thay đổi khi thuộc các trường hợp luật định

Thẩm quyền thay đổi người tiến hành tố tụng dân sự

Đối với Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án

Theo quy định tại Điều 56 BLTTDS năm 2015, trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi sẽ do Chánh án Tòa án quyết định. Trường hợp Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì thẩm quyền quyết định việc thay đổi như sau:

  • Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện thì do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định;
  • Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì do Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh đó quyết định;
  • Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao thì do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định.

Tại phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án do HĐXX quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. HĐXX thảo luận và quyết định theo đa số. Chánh án Tòa án quyết định cử Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án thay thế người bị thay đổi.

Đối với Kiểm sát viên, Kiểm tra viên

Theo quy định tại Điều 62 BLTTDS 2015:

  • Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định; nếu Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.
  • Việc thay đổi Kiểm tra viên do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định.
  • Việc cử Kiểm sát viên thay thế Kiểm sát viên bị thay đổi do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định. Nếu Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.

 

Người tiến hành tố tụng dân sự là chủ thể quan trọng tham gia vào quá trình giải quyết vụ án

Người tiến hành tố tụng dân sự là chủ thể quan trọng tham gia vào quá trình giải quyết vụ án

>>Xem thêm: Thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam

Trên đây là bài viết hướng dẫn quý khách hàng về vấn đề Khi nào được yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng dân sự. Nếu có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn, hãy liên hệ ngay cho Luật sư tư vấn Luật Dân sự của chúng tôi qua hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ. Xin cảm ơn.

4.7 (11 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 823 bài viết