Luật Dân sự

Khi nào băng ghi âm được coi là chứng cứ trong vụ án dân sự?

Chứng cứ trong vụ án dân sự là một yếu tố quan trọng góp phần tìm ra sự thật khách quan và giải quyết vụ án đúng đắn. Vì vậy, việc xác định băng ghi âm có phải là một loại chứng cứ trong vụ án dân sự hay không đang là vấn đề mà nhiều chủ thể quan tâm. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ tư vấn cụ thể vấn đề giá trị pháp lý của băng ghi âm trong tố tụng dân sự, đồng thời giải đáp câu hỏi khi nào băng ghi âm được coi là chứng cứ trong vụ án dân sự.

Giá trị pháp lý của đoạn băng ghi âm

 >>> Xem thêm: Nguyên tắc xác định chứng cứ trong tố tụng dân sự

Chứng cứ trong vụ án dân sự là gì?

Chứng cứ theo quy định của tố tụng dân sự

Theo Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (sau đây gọi tắt là BLTTDS 2015), chứng cứ trong vụ việc dân sự là:

  • Những gì có thật;
  • Được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định;
  • Được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Nguồn chứng cứ trong vụ án dân sự

Nguồn của chứng cứ được quy định tại Điều 94 BLTTDS 2015, theo đó chứng cứ sẽ được thu thập từ các nguồn sau đây:

  • Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
  • Vật chứng.
  • Lời khai của đương sự.
  • Lời khai của người làm chứng.
  • Kết luận giám định.
  • Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
  • Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
  • Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
  • Văn bản công chứng, chứng thực.
  • Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Như vậy, có thể thấy để được xem là chứng cứ trong vụ án dân sự, tài liệu phải đáp ứng các quy định về giao nộp, thu thập chứng cứ, nguồn chứng cứ và tính có thật của chứng cứ.

Băng ghi âm có được coi là chứng cứ trong vụ án dân sự không?

Trong thực tiễn, băng ghi âm là minh chứng tồn tại cho rất nhiều hoạt động dân sự. Nhiều người sử dụng việc ghi âm như một bản hợp đồng thỏa thuận hay minh chứng cho hoạt động vay tiền,…

Việc ghi âm thông thường được diễn ra công khai hoặc bằng phương thức “lén” thực hiện. Khi sử dụng biện pháp trên để làm minh chứng cho một hoạt động dân sự, nhiều người đã lầm tưởng băng ghi âm sẽ mặc nhiên trở thành chứng cứ trong vụ án dân sự khi có tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên, đây là nhận định chưa chính xác.

Băng ghi âm được xem là một loại tài liệu nghe được. Và vì thế, như đã đề cập ở trên, căn cứ theo quy định tại Điều 94 BLTTDS 2015 thì tài liệu nghe được là nguồn của chứng cứ. Như vậy, băng ghi âm có thể được coi là nguồn của chứng cứ trong vụ án dân sự. Tuy nhiên, để được coi là chứng cứ trong vụ án dân sự, băng ghi âm còn cần phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật.

Điều kiện để băng ghi âm là chứng cứ trong vụ án dân sự

Trường hợp băng ghi âm là chứng cứ trong tố tụng dân sự

Điều kiện đối với bản ghi âm

Tại Điều 95 BLTTDS 2015 về xác định chứng cứ quy định:

  • Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
  • Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản trên Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.

Ngoài ra, để được xác định là chứng cứ, bản ghi âm còn phải đáp ứng những điều kiện tại Điều 93 BLTTDS 2015 đã được phân tích ở trên, để trở thành chứng cứ thì phải đảm bảo 03 thuộc tính của chứng cứ là tính hợp pháp, khách quan và có liên quan đến vụ án, cụ thể như sau:

  • Bản ghi âm phải ghi nhận những sự việc có thật;
  • Bản ghi âm phải được giao nộp, thu thập, xuất trình theo quy định của BLTTDS 2015
  • Bản ghi phải là căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Như vậy, điều kiện để băng ghi âm được coi là chứng cứ chứng minh khi nó được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ hoặc văn bản về sự việc liên quan. Trường hợp không đáp ứng được các điều kiện đó thì băng ghi âm chỉ được xem là tài liệu liên quan đến vụ án, có giá trị tham khảo chứ không thể có giá trị chứng minh trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

Điều kiện đối với người cung cấp bản ghi âm

Căn cứ theo Điều 6 BLTTDS 2015, người có quyền cung cấp chứng cứ bao gồm:

  • Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.

Đây là hai chủ thể theo quy định sẽ có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Như vậy, họ cũng sẽ là người có quyền và nghĩa vụ cung cấp bản ghi âm.

Thủ tục giám định lời nói trong băng ghi âm

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 102 BLTTDS 2015 quy định:

Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự.

Việc yêu cầu giám định được thực hiện theo quy định tại Điều 26 Luật Giám định tư pháp 2012 như sau:

  • Người yêu cầu giám định phải gửi văn bản yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) và bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự
  • Văn bản yêu cầu giám định tư pháp phải có các nội dung sau đây: tên tổ chức hoặc họ, tên người yêu cầu giám định; nội dung yêu cầu giám định; tên và đặc điểm của đối tượng giám định; tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có); ngày, tháng, năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định; chữ ký, họ, tên người yêu cầu giám định.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong vụ án dân sự

Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm hỗ trợ giải quyết các vụ tranh chấp dân sự

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong vụ án dân sự:

  • Hỗ trợ khách hàng thực hiện các thủ tục khởi kiện vụ án dân sự
  • Hỗ trợ khách hàng thu thập chứng cứ có lợi
  • Đại diện khách hàng làm việc trực tiếp với Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền
  • Thực hiện các công việc khác theo yêu cầu của khách hàng

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty chúng tôi về giá trị pháp lý của băng ghi âm trong tố tụng dân sự. Nếu quý độc giả có bất kỳ thắc mắc về bài viết hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý về Luật Dân sự, hãy liên hệ qua hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ và tư vấn.

5 (10 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 833 bài viết