Người bị đánh ghen có quyền khởi kiện đòi bồi thường khi bị đánh ghen. Người có hành vi đánh ghen gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, ngoài trách nhiệm bồi thường, còn có thể bị phạt tù. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật đối với những vấn đề trên.
Mục Lục
Hành vị đánh ghen sẽ bị xử phạt như thế nào?
Hiện nay, pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm đánh ghen. Tuy nhiên, hành vi đánh ghen có thể được hiểu là một bên dùng lời nói (mắng, chửi, cãi nhau,…) hoặc hành động thô bạo tác động đến người khác do ghen tuông.
Trong một số trường hợp, đánh ghen có thể bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, cụ thể là:
- có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
- đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau; Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;
- lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau; Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác.
- gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ
Trường hợp nghiêm trọng hơn, người có hành vi đánh ghen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và Tội làm nhục người khác theo Điều 134, Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 và có thể phải chịu mức phạt tù lên đến 19 năm.
Ngoài ra, người bị đánh ghen cũng có quyền khởi kiện đòi bồi thường về sức khỏe và danh dự đã bị xâm hại theo quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Bộ luật Dân sự 2015.
Quy định của pháp luật về bồi thường khi bị đánh ghen
Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Bồi thường do bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm
Trong trường hợp người đánh ghen có những hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị đánh ghen thì theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 người đó phải có trách nhiệm bồi thường những chi phí sau:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Thiệt hại khác do luật quy định;
- Khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên tự thỏa thuận; Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, đối với một người bị xâm phạm.
Bồi thường do bị xâm phạm về sức khỏe và tính mạng
Theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, người bị đánh ghen có quyền yêu cầu người có hành vi gây tổn hại sức khỏe cho mình phải bồi thường những chi phí sau:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Nếu thu nhập thực tế không ổn định, không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị;
- Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
- Khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định đối với một người bị xâm phạm sức khỏe.
Trong trường hợp hành vi đánh ghen xâm phạm đến tính mạng của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015, bao gồm những chi phí sau:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm;
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
- Khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa là không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định đối với một người bị xâm phạm.
Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tính mạng cụ thể là:
- Trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì được hưởng bồi thường từ thời điểm mất hoàn toàn khả năng lao động cho đến khi chết.
- Trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng được hưởng tiền cấp dưỡng từ thời điểm người bị thiệt hại chết cho đến khi đủ mười tám tuổi hoặc cho đến khi chết đối với người thành niên nhưng không có khả năng lao động.
- Đối với con đã thành thai của người chết, tiền cấp dưỡng được tính từ thời điểm người này sinh ra và còn sống.
Thủ tục khởi kiện đòi bồi thường khi bị đánh ghen
Khi nhận thấy có dấu hiệu bị làm nhục, bị gây thương tích như trên, đầu tiên người bị đánh ghen cần phải tố cáo với cơ quan điều tra có thẩm quyền theo khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC trên bao gồm:
- Cơ quan điều tra;
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Viện kiểm sát các cấp;
- Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
Trường hợp cơ quan điều tra khởi tố, thì có thể yêu cầu bồi thường trong phần yêu cầu trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự. Trường hợp cơ quan điều tra thông báo kết quả giải quyết không có dấu hiệu hình sự, thì có thể khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để đòi bồi thường theo Điều 35 và Điều 39 và Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, gồm:
- Tòa án nhân dận cấp huyện nơi bị đơn cư trú;
- Tòa án nhân dận cấp huyện nơi nguyên đơn cư trú;
- Tòa án nhân dận cấp huyện nơi xảy ra việc gây thiệt.
Cá nhân khởi kiện chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, gồm:
- Đơn khởi kiện bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự.
- Giấy tờ nhân thân (CMND; sổ hộ khẩu… bản sao chứng thực);
- Các giấy tờ chứng minh thiệt hại (giấy ra viện; biên bản giám định sức khỏe….);
- Các bằng chứng chứng minh lỗi của người gây thiệt hại;
- Các giấy tờ liên quan khác;
Trong đó, đơn khởi kiện Theo khoản 4,5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bao gồm những nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị đánh ghen; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Ngoài ra, người bị thiệt hại cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài tư vấn về trình tự, thủ tục khởi kiện đòi bồi thường khi bị đánh ghen và những vấn đề pháp lý liên quan. Mọi thắc mắc về vấn đề trên xin vui lòng liên hệ qua hotline 1900 63 63 87 để được luật sư tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn./.