Luật Dân sự

Đòi tiền nhờ chạy việc – tố giác hình sự hay khởi kiện dân sự?

Để có được công việc mong muốn, không ít người đã chọn cách nhờ “chạy việc”, tuy nhiên không phải lúc nào quá trình này cũng diễn ra thuận lợi. Vậy cần làm gì để đòi tiền nhờ chạy việc – tố giác hình sự hay khởi kiện dân sự? Không ít trường hợp trong thực tế tiền không đòi được và việc chẳng thấy. Chính vì vậy qua bài viết dưới đây, Chuyên tư vấn luật sẽ giúp bạn nắm bắt được quy định liên quan để bảo vệ được quyền lợi của bản thân.

 Làm thế nào để đòi được tiền nhờ “chạy việc”

 Làm thế nào để đòi được tiền nhờ “chạy việc”

Quy định pháp luật về hành vi nhận tiền chạy việc rồi không trả lại

Trách nhiệm dân sự

Giao dịch đưa tiền và nhận tiền “chạy việc” là giao dịch dân sự được hai bên thực hiện trên cơ sở thỏa thuận, hoàn toàn tự nguyện. Và theo quy định tại Điều 117 BLDS 2015, điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự phải đảm bảo:

  • Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
  • Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
  • Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, “chạy việc” là hành vi vi phạm pháp luật do đó giao dịch này vô hiệu vì có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của luật (quy định tại Điều 123 – Bộ luật dân sự 2015).

Theo quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 thì giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi đó các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Như vậy, nếu có chứng cứ chứng minh, người bị lừa có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết, cụ thể ở đây là tuyên giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm hình sự

  • Đối với người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến chạy việc
    • Trong trường hợp bên nhận tiền để “chạy việc” không có mục đích ban đầu mà sau khi có được số tiền đó do hoàn cảnh khách quan mà không xin được việc rồi mới nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền đó, không trả lại thì có thể phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS 2015).
    • Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để tiến hành “chạy việc” theo yêu cầu của người đưa tiền thì có thể cấu thành tội Nhận hối lộ (Điều 354 BLHS 2015)
  • Đối với người không có chức vụ, quyền hạn liên quan đến chạy việc

Trường hợp thực tế người nhận tiền không có chức vụ, quyền hạn liên quan đến chạy việc nên không có khả năng xin được việc mà chỉ đưa ra những thông tin gian dối, giả tạo như hứa hẹn, cam kết, khẳng định… nhằm mục đích để nhận tiền rồi chiếm đoạt thì hành vi đó có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS 2015)

Trường hợp nào chạy việc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự?Trường hợp nào chạy việc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Hành vi dùng tiền nhờ chạy việc có vi phạm pháp luật không?

Theo quy định tại Điều 364 BLHS 2015 Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào được quy định từ điểm a khoản 1 đến khoản 4 Điều này để người có chức vụ, quyền hạn tiến hành chạy việc theo yêu cầu của họ, thì có thể cấu thành tội Đưa hối lộ.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 7 BLHS 2015 Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ

>>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp yêu cầu tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu

Thủ tục tố giác hình sự về hành vi chiếm đoạt tiền nhờ chạy việc

  • Bước 1: Xác định cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác về tội phạm theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015  (BLTTHS 2015). Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác về tội phạm gồm:
    • Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác về tội phạm;
    • Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác về tội phạm.

Trước khi tố giác về tội phạm với cơ quan Công an, đề nghị xác định sơ bộ về tính chất, mức độ vụ việc, trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết của cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền để từ đó cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác về tội phạm đến đúng cơ quan có thẩm quyền, tránh mất thời gian, gây khó khăn cho công tác tiếp nhận, điều tra, khám phá tội phạm.

Việc xác định cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền giải quyết tố giác về tội phạm được quy định tại khoản 3 Điều 145 và Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 Thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác về tội phạm tương ứng với thẩm quyền xét xử của Tòa án. Theo đó, Thẩm quyền giải quyết tố giác về các tội trên là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp huyện)

>>> Xem thêm: Hướng dẫn giải quyết tranh chấp giao dịch đổi đất

  • Bước 2: Lựa chọn hình thức và tiến hành tố giác về tội phạm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác về tội phạm có thể bằng các hình thức sau (khoản 4 Điều 144 BLTTHS 2015; Điều 5 Thông tư 28/2020/TT-BCA):
    • Bằng lời nói (trực tiếp đến trình báo hoặc tố giác qua điện thoại tới cơ quan có thẩm quyền được xác định tại bước 1);
    • Bằng văn bản (gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính (bưu điện) tới cơ quan có thẩm quyền được xác định tại bước 1).

Khi tố giác về tội phạm, tới cơ quan có thẩm quyền, cá nhân, cơ quan, tổ chức tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố cần cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu và trình bày rõ những hiểu biết của mình liên quan đến tội phạm mà mình tố giác, báo tin.

  • Bước 3: Tiếp nhận tin tố giác về tội phạm

Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 145 của BLTTHS 2015 phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận (khoản 1 Điều 146 BLTTHS 2015)

  • Bước 4: Giải quyết tố giác về tội phạm

Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân phải chấp hành về thời hạn phân công, giải quyết tố giác về tội phạm theo khoản 1, khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 9, Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017 (khoản 1 Điều 12 Thông tư 28/2020/TT-BCA).

  • Bước 5: Kết thúc quá trình giải quyết tố giác về tội phạm:

Kết thúc quá trình giải quyết tố giác về tội phạm cơ quan đã thụ lý, giải quyết phải ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Thủ tục khởi kiện dân sự đòi lại tiền nhờ chạy việc
Thủ tục khởi kiện dân sự đòi lại tiền nhờ chạy việc

Thủ tục khởi kiện dân sự đòi lại tiền nhờ chạy việc

  • Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện gồm:
    • Đơn khởi kiện (Đơn khởi kiện gồm các nội dung được quy định tại khoản 4 Điều 189 BLTTDS 2015)
    • Các tài liệu, chứng cứ chứng minh về hành vi đưa nhận tiền chạy việc (khoản 5 Điều 189 BLTTDS 2015)
  • Gửi đơn khởi kiện đến tòa án

Theo khoản 1 Điều 190 BLTTDS 2015, người khởi kiện có thể nộp đơn trực tiếp tại tòa án, gửi qua đường bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)

  • Tòa án nhận và xử lý đơn khởi kiện (Điều 191 BLTTDS 2015)
  • Thụ lý và phân công thẩm phán giải quyết vụ án (Điều 195, 196, 197 BLTTDS 2015)
  • Bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo (Điều 199 BLTTDS 2015)
  • Hòa giải và Chuẩn bị xét xử:
  • Chuẩn bị xét xử (Điều 203 BLTTDS 2015) thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tranh chấp dân sự là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng
  • Hòa giải: Theo quy định tại khoản 2 Điều 206 BLTTDS 2015 đây là vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật nên vụ án này không được hòa giải.
  • Xét xử sơ thẩm (khoản 4 Điều 203 BLTTDS 2015)
  • Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
  • Xét xử phúc thẩm (quy định tại Phần thứ ba thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp phúc thẩm BLTTDS 2015)

>>> Xem thêm: Trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự

Lời khuyên của luật sư về lựa chọn thủ tục giải quyết

Từ những phân tích trên, khách hàng cần căn cứ cụ thể vào trường hợp thực tế mà mình gặp phải để có thể xác định hành vi của người nhận tiền để “chạy việc” có cấu thành tội phạm hay chỉ là hành vi vi phạm pháp luật dân sự: để lựa chọn áp dụng biện pháp pháp lý phù hợp, vừa đảm bảo bảo vệ lợi ích hợp pháp của chính mình, cũng đồng thời bảo vệ được lợi ích của các chủ thể khác, của xã hội và nhà nước.

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến những vấn đề cần lưu ý về vấn đề Đòi tiền nhờ chạy việc-tố giác hình sự hay khởi kiện dân sự?. Nếu như bạn có bất cứ vướng mắc nào hoặc có nhu cầu tìm hiểu thêm xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được hỗ trợ. Xin cảm ơn.

4.7 (14 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 755 bài viết