Khi xác lập biện pháp bảo đảm, các bên có thể lựa chọn một tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ được bảo đảm. Tuy nhiên, trong trường hợp giá trị của tài sản lớn hơn nhiều so với nghĩa vụ được bảo đảm, các bên có thể thỏa thuận một tài sản dùng để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ. Bài viết sau đây chúng tôi sẽ tư vấn cụ thể hơn về việc Có thể bảo đảm nhiều nghĩa vụ bằng một tài sản được không? mời quý bạn đọc theo dõi:
Có thể bảo đảm nhiều nghĩa vụ bằng một tài sản được không?
Mục Lục
Quy định về một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ
Căn cứ theo Điều 296 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
- Trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.
- Trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác.
- Trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.
Như vậy, pháp luật không hạn chế việc dùng một tài sản để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ khác nhau, chỉ cần giá trị của tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ bảo đảm.Tuy nhiên, bên bảo đảm có trách nhiệm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm biết về việc sử dụng một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự. Nếu bên bảo đảm không thông báo thì bên nhận bảo đảm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo đảm và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.
Điều kiện để tài sản thực hiện nghĩa vụ bảo đảm
Theo Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định về tài sản; theo đó tài sản bảo đảm phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, được phép giao dịch và không có tranh chấp. Tài sản bảo đảm cũng có thể là tài sản thuộc quyền sở hữu của người thứ ba hoặc quyền sử dụng đất của người thứ ba nếu bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm và người thứ ba có thoả thuận. Căn cứ tại Điều 295 Bộ luật dân sự 2015, tài sản bảo đảm phải đảm bảo những điều kiện sau đây:
- Tài sản bảo đảm vẫn phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và chỉ loại trừ hai biện pháp bảo đảm là cầm giữ và bảo lưu quyền sở hữu. Khi đưa tài sản trở thành đối tượng của các biện pháp bảo đảm phải đảm bảo tài sản đó thuộc sở hữu của bên bảo đảm.
- Tài sản có thể được mô tả chung nhưng phải xác định được. Vì tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai nên pháp luật dự liệu quy định tài sản có thể được mô tả chung nhưng phải xác định được.
- Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm. Thông thường giá trị tài sản bảo đảm phải lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm để khi xử lý tài sản bảo đảm thì số tiền thu được từ việc bán tài sản bảo đảm để thanh toán các nghĩa vụ tài chính khác như chi phí bảo quản, chi phí xử lý tài sản. Tuy nhiên các bên có thể thỏa thuận giá trị tài sản bảo đảm bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ bảo đảm.
- Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành tương tương lai. Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch.
Bên cạnh đó Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản hình thành trong tương lai được làm tài sản bảo đảm. Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết.
Căn cứ: Điều 295 Bộ luật Dân sự 2015 và các quy định cụ thể tại Chương II, Nghị định 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Điều kiện hình thành tài sản đảm bảo theo pháp luật
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng thế chấp tài sản
Quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp
- Căn cứ theo Điều 321 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Quyền của bên thế chấp bao gồm:
- Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận.
- Đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.
- Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ và giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
- Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.
- Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
- Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
- Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.
- Căn cứ tại Điều 320 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bên thế chấp:
- Việc bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp thuộc nghĩa vụ của bên thế chấp vì tài sản thể chấp do bên thế chấp giữ, khai thác sử dụng, cho nên bên thế chấp phải bảo quản tài sản không để hư hỏng, mất mát, hao hụt, bảo tồn giá trị tài sản thế chấp.
- Ngoài ra bên thế chấp còn phải giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác. Cụ thể, Tài sản thế chấp là động sản hoặc bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu, khi thế chấp các bên có thể thỏa thuận bên thế chấp phải giao giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản để bên thế chấp không định đoạt được trong thời hạn thế chấp. Tuy nhiên có những loại tài sản khi sử dụng phải có giấy tờ sở hữu thì không thể giao giấy tờ được như xe ô tô, tàu biển, máy bay. Như vậy, không bắt buộc các bên phải chuyển giao giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản thế chấp trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
- Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.
- Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì trong một thời gian hợp lý bên thế chấp phải sửa chữa hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định.
- Cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp. Khi xác lập thế chấp bên thế chấp phải cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng pháp lý và thực tế của tài sản để bên nhận thế chấp biết và đưa ra các quyết định xác lập thế chấp hay không.
- Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp.
- Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp người nhận thế chấp đồng ý hoặc tài sản thế chấp đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp
- Căn cứ tại Điều 323 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền của bên nhận thế chấp:
- Khi xác lập thế chấp người nhận thế chấp có quyền kiểm tra, xem xét tài sản thế chấp, giám sát việc sử dụng tài sản của bên thế chấp, nếu bên thế chấp vi phạm nghĩa vụ sử dụng tài sản thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp khắc phục hậu quả do vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, khi kiểm tra giám sát việc sử dụng tài sản thế chấp không được gây khó khăn cho việc sử dụng, khai thác tài sản thế chấp.
- Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp.
- Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng.
- Thực hiện việc đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Xử lý tài sản thế chấp khi thuộc trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.
- Căn cứ tại Điều 322 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bên nhận thế chấp:
- Trường hợp bên thế chấp thực hiện xong nghĩa vụ hoặc các trường hợp khác do các bên thỏa thuận chấm dứt thế chấp, thì bên nhận thế chấp có nghĩa vụ hoàn trả giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nếu người nhận thế chấp giữ giấy tờ đó.
- Nếu bên nhận thế chấp không trả giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp, bên thế chấp sẽ gặp khó khăn, thậm chí không thể đưa tài sản thế chấp vào lưu thông dân sự. Theo quy định của pháp luật, trong nhiều trường hợp, việc định đoạt tài sản hoặc đưa tài sản tham gia các giao dịch dân sự thì chủ sở hữu tài sản phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
Quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba giữ tài sản thế chấp
Căn cứ tại Điều 324 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
- Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các quyền sau đây:
- Được khai thác công dụng tài sản thế chấp, nếu có thỏa thuận;
- Được trả thù lao và chi phí bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các nghĩa vụ sau đây:
- Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp; nếu làm mất tài sản thế chấp, làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp thì phải bồi thường;
- Không được tiếp tục khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu việc tiếp tục khai thác có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp;
- Giao lại tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng thế chấp tài sản
Trên đây là toàn bộ bài viết tư vấn của chúng tôi về vấn đề Có thể bảo đảm nhiều nghĩa vụ bằng một tài sản được không? Hy vọng bài viết có thể giúp ích, nếu như quý bạn đọc còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này hoặc cần TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ hãy liên hệ với chúng tôi qua Hotline 1900 63 63 87. hoặc email: chuyentuvanluat@gmail.com để được tư vấn hỗ trợ thêm. Xin cảm ơn!