Luật Dân sự

Có được quyền yêu cầu tạm ngừng phiên tòa vụ án dân sự hay không?

Người tham gia tố tụng có quyền yêu cầu tạm ngừng phiên tòa vụ án dân sự trong quá trình giải quyết các vụ án này. Việc tạm ngừng phiên tòa phải được Hội đồng xét xử lập thành văn bản. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin pháp lý để bạn đọc hiểu rõ hơn và phân biệt được hoãn phiên tòa với tạm ngừng phiên tòa.

Mẫu 50-DS quyết định tạm ngừng phiên tòa

Quy định của pháp luật về thời hạn đưa vụ án dân sự ra xét xử

Thời hạn để đưa một vụ án dân sự ra xét xử theo Khoản 1 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 được quy định như sau:

  • Đối với tranh chấp về dân sự, về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
  • Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại và tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, thời hạn chuẩn bị xét xử là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
  • Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể gia hạn thời hạn nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp đầu, không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp thứ hai.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

  • Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
  • Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
  • Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
  • Đưa vụ án ra xét xử.

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; Nếu có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Quy định pháp luật về tạm ngừng phiên tòa vụ án dân sự

Theo quy định tại Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về tạm ngừng phiên tòa vụ án dân sự thì trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ sau đây:

  • Người tiến hành tố tụng, do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác, không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, và không thể thay thế được người tiến hành tố tụng;
  • Người tham gia tố tụng, do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác, không thể tiếp tục tham /gia phiên tòa và người tham gia tố tụng không có yêu cầu xét xử vắng mặt;
  • Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa;
  • Chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại;
  • Các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải;
  • Cần phải báo cáo Chánh án Tòa án để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.

Như vậy, bất cứ ai tham gia tố tụng tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự, nếu có căn cứ thuộc các trường hợp trên đều có quyền yêu cầu Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa. Quyết định tạm ngừng phiên tòa phải được Hội đồng xét xử thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và lập thành văn bản Theo Điều 235 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Quyết định tạm ngừng phiên tòa phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án

Như vậy, trong trường hợp thời hạn tạm ngừng phiên tòa mà các bên tự hòa giải và thỏa thuận được với nhau thì Tòa án lập biên bản về việc thỏa thuận của các đương sự, hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên theo khoản 1 Điều 221 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Đối với tạm ngừng phiên tòa vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm cũng được thực hiện tương tự như tạm ngừng phiên tòa vụ án dân sự ở giai đoạn sơ thẩm.

Quy định về tạm ngừng phiên tòa hạn chế được việc Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà nhiều lần, kéo dài quá trình giải quyết vụ án dân sự, đồng thời quy định này còn hạn chế tình trạng bản án, quyết định giải quyết án của Tòa án cấp sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm xử huỷ, sửa án.

Phân biệt tạm ngừng và hoãn phiên tòa vụ án dân sự

Hoãn phiên tòa và tạm ngừng phiên tòa đều có hệ quả pháp lý là phiên tòa không được diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, về tính chất pháp lý của hai thuật ngữ này là khác nhau. Một số điểm khác nhau cơ bản là:

Chủ thể có thẩm quyền:

  • Hội đồng xét xử quyết định việc hoãn phiên tòa. Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên.
  • Hội đồng xét xử quyết định việc tạm ngừng phiên tòa.

Căn cứ phát sinh:

  • Hoãn phiên tòa căn cứ phát sinh quy định tại khoản 1 Điều 233 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
  • Tạm ngừng phiên tòa căn cứ phát sinh quy định tại khoản 1 Điều 259 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Thời hạn:

  • Thời hạn hoãn là không quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn là 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa
  • Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa.

Hệ quả pháp lý:

  • Phiên tòa được hoãn sẽ phải bắt đầu lại từ đầu.
  • Phiên tòa được tạm ngừng sẽ được bắt đầu lại từ thời điểm ngừng.

Hình thức:

  • Việc tạm ngừng phiên tòa được ghi vào biên bản phiên tòa, lập thành văn bản.
  • Hoãn phiên tòa phải được thực hiện bằng một quyết định bằng văn bản.  Trong đó phải thể hiện đầy đủ các nội dung theo quy định pháp luật.
Phiên tòa tạm hoãn sẽ phải bắt đầu lại từ đầu

Như vậy, xét về tính chất pháp lý, tạm ngừng phiên tòa và hoãn phiên tòa vụ án dân sự khác nhau hoàn toàn. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc tạm ngừng phiên tòa vụ án dân sự.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài tư vấn về quyền yêu cầu tạm ngừng phiên tòa vụ án dân sự cũng như cách phân biệt giữa hoãn phiên tòa và tạm ngừng phiên tòa vụ án dân sự. Mọi thắc mắc về vấn đề trên xin vui lòng liên hệ qua hotline 1900 63 63 87 để được luật sư tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn./.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ số hotline 1900.63.63.87 hoặc email: chuyentuvanluat@gmail.com. Trân trọng ./. 

4.6 (15 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 823 bài viết