Luật Dân sự

Hướng dẫn cách yêu cầu tòa án xác định giá trị tài sản đang tranh chấp

Hoạt động tranh chấp là một trong những vụ án phức tạp làm phát sinh việc xác định giá trị tài sản đang tranh chấp. Người có tài sản đang tranh chấp thường không biết là tự mình cung cấp giá tài sản hay đó là  việc của Tòa án. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cho bạn cách định giá tài sản đang tranh chấp thông qua Tòa án.

Pháp luật quy định về Tòa án định giá tài sản
Pháp luật quy định về Tòa án định giá tài sản

Pháp luật quy định về định giá tài sản đang tranh chấp

Định giá tài sản thường tiến hành khi có những tranh chấp dân sự như thừa kế tài sản, hợp đồng của doanh nghiệp, vợ chồng chia tài sản khi ly hôn hoặc Tòa án thu thập chứng cứ nhằm giải quyết tranh chấp tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 97 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (Bộ luật TTDS 2015).

Tuy nhiên, việc xác định giá trị tài sản đang tranh chấp còn là quyền của đương sự, tức người có yêu cầu có quyền cung cấp giá. Các bên thỏa thuận về giá tài sản tranh chấp hoặc lựa chọntổ chức thẩm định giá thực hiện việc thẩm định giá tài sản để cung cấp cho Tòa ántheo Điều 104 của Bộ luật TTDS 2015.

Theo khoản 3 Điều này, Toà án tiến hành định giá tài sản tranh chấp khi được một hoặc các bên đề nghị hoặc khi các bên không chọn được tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc không đưa ra được mức giá tài sản chung.

Trường hợp có sự thỏa thuận mức giá thấp hơn so với giá thị trường tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba thì Tòa án sẽ tiến hành thẩm định khi có căn cứ cho thấy có sự vi phạm pháp luật về định giá.

Cách yêu cầu Tòa án định giá tài sản tranh chấp

Quyền của đương sự trong Bộ luật TTDS 2015 quy định tại Điều 104 cho biết:

  • Đương sự có quyền cung cấp giá tài sản đang tranh chấp
  • Được quyền thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp
  • Có thể lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả cho Tòa án
  • Yêu cầu Tòa ra quyết định định giá và thành lập Hội đồng định giá

Đơn yêu cầu định giá tài sản

Yêu cầu Tòa án ra quyết định xác định giá trị tài sản tranh chấp thông qua Đơn yêu cầu định giá tài sản. Một hoặc các bên soạn đơn gửi tòa án thẩm quyền theo mẫu 07-DS được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ĐƠN YÊU CẦU

TÒA ÁN RA QUYẾT ĐỊNH ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

Kính gửi: Tòa án nhân dân(1)……………………………………………

Họ tên người yêu cầu:

1)(2)……………………………..địa chỉ(3)……………………………………….

Là:(4)……………………….trong vụ việc(5)……………………………………..

2)……………………………….địa chỉ…………………………………………

Là………………………………trong vụ việc……………………….. (nếu có)

Yêu cầu Tòa án ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp, gồm:(6)

……………………………………………………………………………………

                                                                                NGƯỜI YÊU CẦU(7)

Nội dung đơn yêu cầu Tòa án định giá tài sản
Nội dung đơn yêu cầu Tòa án định giá tài sản

Đơn yêu cầu nộp tại:

  • Tòa án đang thụ lý giải quyết theo khoản 1 Điều 35, khoản 1 điều 38 Bộ luật TTDS 2015
  • Tòa án nơi có bất động sản căn cứ điểm c) khoản 1 Điều 39 Bộ luật TTDS 2015

Thời hạn nhận quyết định định giá tài sản được quy định tại Thông tư liên tịch 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC là ba ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

Tòa án gửi quyết định định giá tài sản và các tài liệu về tài sản cần định giá cho các đơn vị, cá nhân, tổ chức sau:

  • Thành viên Hội đồng định giá
  • Các đương sự tham gia định giá
  • Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có tài sản cần định giá nếu đại diện Ủy ban nhân dân tham gia chứng kiến việc định giá

Thời hạn nhận thông báo việc định giá tài sản (Điều 106 khoản 1 Bộ luật TTDS 2015) là 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ và nếu từ chối phải trả lời bằng văn bản kèm lý do.

Tòa xác định giá tài sản theo quy định tại Điều 17 của Thông tư liên tịch về Hướng dẫn thi hành điều 92 bộ luật tố tụng dân sự số 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC:

  • Theo giá chung các bên cung cấp
  • Theo giá trung bình cộng của các mức giá nếu các đương sự đưa ra các mức giá khác nhau.
  • Nếu chỉ có một bên đương sự đưa ra giá tài sản và các bên còn lại không đưa ra mức định giá với tài sản tranh chấp thì Toà chấp nhận mức giá của bên đương sự đã đưa ra.

Nghĩa vụ đương sự đưa ra yêu cầu

Khi các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì trách nhiệm nộp tiền tạm ứng chi phí và chịu chi phí định giá tài sản được xác định theo Bộ luật TTDS 2015:

Việc nộp chi phí để Tòa án định giá tài sản tranh chấp
Việc nộp chi phí để Tòa án định giá tài sản tranh chấp
  • Người có yêu cầu định giá tài sản phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản theo khoản 1 Điều 164
  • Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận theo khoản 1 Điều 165

Quyền yêu cầu định giá lại tài sản

Tiến hành định giá lại tài sản chỉ khi có căn cứ là kết quả định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết vụ án dân sự. (Khoản 5 Điều 104 Bộ luật TTDS 2015)

Nếu kết quả định giá tài sản bị khiếu nại hoặc Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thiếu trung thực, khách quan thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiến hành định giá lại tài sản.

Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết tranh chấp mà cần định giá lại tài sản thì có thể uỷ thác cho Toà án cấp sơ thẩm đã giải quyết vụ việc đó theo Điều 18 Thông tư liên tịch 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC.

Trên đây là các quy định về yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự định giá tài sản đang tranh chấp. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật, hỗ trợ giải quyết tranh chấp đất đai, vui lòng liên hệ luật sư tư vấn và hỗ trợ kịp thời thông qua hotline 1900 63 63 87. Xin cảm ơn./.

4.8 (12 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 755 bài viết