Luật Dân sự

Cách xác định mức tạm ứng án phí dân sự phải đóng

Trước khi xác định mức tạm ứng án phí dân sự phải đóng cần xác định được nghĩa vụ đóng tiền tạm ứng án phí thuộc về người nào và người đó có thuộc trường hợp được miễn, giảm hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí DÂN SỰ không? Mức tạm ứng án phí được xác định dựa trên mức án phí của vụ án dân sự có giá ngạch hoặc không có giá ngạch. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về vấn đề này.

Xác định mức tạm ứng án phí dân sự

Xác định mức tạm ứng án phí dân sự

Người có nghĩa vụ đóng tiền tạm ứng án phí

Căn cứ Điều 25 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, người có nghĩa vụ đóng tiền tạm ứng án phí dân sự bao gồm:

  • Nguyên đơn;
  • Bị đơn có yêu cầu phản tố;
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
  • Người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.

Trường hợp vụ án có nhiều nguyên đơn mà mỗi nguyên đơn có yêu cầu độc lập thì mỗi nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu riêng của mỗi người. Trường hợp các nguyên đơn cùng chung một yêu cầu thì các nguyên đơn phải nộp chung tiền tạm ứng án phí.

Trường hợp vụ án có nhiều bị đơn hoặc nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì áp dụng tương tự như đối với vụ án có nhiều nguyên đơn bên trên.

Các trường hợp miễn, giảm tạm ứng án phí dân sự

Căn cứ Khoản 1, Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14; các trường hợp được miễn tiền tạm ứng án phí dân sự bao gồm:

  • Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
  • Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
  • Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
  • Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
  • Trẻ em, người cao tuổi;
  • Cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo;
  • Người khuyết tật;
  • Người có công với cách mạng;
  • Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
  • Thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.

Căn cứ Khoản 1, Điều 13 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14; những trường hợp được giảm tiền tạm ứng án phí dân sự như sau:

Người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp tạm ứng án phí có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú thì được Tòa án giảm 50% mức tạm ứng án phí mà người đó phải nộp.

Các trường hợp miễn, giảm tiền tạm ứng án phí

Các trường hợp miễn, giảm tiền tạm ứng án phí

>> Xem thêm: Thủ tục định giá lại trong vụ án dân sự

Mức tạm ứng án phí dân sự

Vụ án dân sự không có giá ngạch

Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch.

Vụ án dân sự có giá ngạch

Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.

Mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch và không có giá ngạch được quy định cụ thể tại mục A của Danh mục án phí, lệ phí Tòa án được ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự

Trừ trường hợp có lý do chính đáng, thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự như sau:

  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc, từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.
  • Trong thời hạn 10 ngày, từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án cấp sơ thẩm về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách yêu cầu tòa án xác định giá trị tài sản đang tranh chấp

Tiền tạm ứng án phí dân sự được hoàn trả khi nào?

Tiền tạm ứng án phí dân sự sẽ được hoàn trả lại cho người nộp trong trường hợp:

Thứ nhất, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau:

  • Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện;
  • Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
  • Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác;
  • Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết;
  • Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án nhưng sau đó trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Thứ hai, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài.

Thứ ba, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự vì lý do bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu.

Thứ tư, Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án do bản án sơ thẩm, phúc thẩm bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do đương sự rút đơn khởi kiện, rút yêu cầu.

Thứ năm, bản án sơ thẩm bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm do xác định sai tư cách tố tụng của đương sự, thì Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định trả lại tiền tạm ứng án phí cho đương sự đã nộp nhưng đã được xác định lại không thuộc đối tượng phải nộp.

Thứ sáu, người đã nộp tiền tạm ứng án phí được trả lại một phần hoặc toàn bộ số tiền đã nộp theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là bài viết tư vấn cách xác định mức tạm ứng án phí dân sự và các trường hợp được trả lại tiền tạm ứng án phí. Nếu bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về các vấn đề khác của thủ tục tố tụng dân sự, hay liên hệ ngay số HOTLINE: 1900.63.63.87 hoặc liên hệ qua email: chuyentuvanluat@gmail.comđể được LUẬT SƯ TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ tư vấn nhanh chóng và kịp thời. Xin cảm ơn.

4.5 (11 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 752 bài viết