Luật Dân sự

Bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng

Bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) không đúng là trách nhiệm của Tòa án hoặc của người yêu cầu áp dụng. Như vậy, thiệt hại được xác định trên căn cứ nào? Chủ thể nào có trách nhiệm bồi thường, và nguyên tắc bồi thường do áp dụng BPKCTT không đúng là gì? Bài viết sẽ trình bày trong phạm vi các vấn đề vừa nêu.

Các chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại gồm Tòa án và đương sự

>>> Xem thêm: Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trọng vụ án dân sự

Chủ thể có trách nhiệm bồi thường

Căn cứ điều 113 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, chủ thể có trách nhiệm bồi thường gồm:

  1. người yêu cầu Tòa án áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời (người yêu cầu) và
  2. Tòa án đã ra quyết định áp dụng BPKCTT không đúng.

Theo khoản 1 điều 111 BLTTDS 2015, người yêu cầu có thể là đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án yêu cầu trong quá trình giải quyết vụ án (khoản 1) hoặc yêu cầu đồng thời với nộp đơn khởi kiện (khoản 2).

Căn cứ xác định giá trị bồi thường

Giá trị bồi thường được tính trên cơ sở thiệt hại trên thực tế đã phát sinh của người bị áp dụng, hoặc của bên thứ ba. Lưu ý, thiệt hại của người bị áp dụng không tính vào phần nghĩa vụ tài sản của căn cứ theo đơn khởi kiện.

Trường hợp Tòa án phải bồi thường

  • Tòa án bồi thường căn cứ theo Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của Chánh án Tòa án có thẩm quyền hoặc Hội đồng xét xử xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời 
  • Tòa án áp dụng BPKCTT không đúng là Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án mà Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã ra quyết định áp dụng BPKCTT

Căn cứ: khoản 2, Điều 10, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 và khoản 2 Điều 113 BLTTDS 2015

Trường hợp đương sự phải bồi thường

Ngược lại, nếu đương sự phải bồi thường do yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng thì việc bồi thường được giải quyết theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ Luật Dân sự 2015.

Ví dụ, trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay do chậm trả tiền vay, B (bên vay) là bên có nghĩa vụ trả tiền vay là 1.000.000.000 đồng thì A (bên cho vay) yêu cầu Tòa áp dụng BPKCTT phong tỏa tài sản (điều 126 BLTTDS 2015) thuộc quyền sở hữu của B là ngôi nhà X trị giá 900.000.000 đồng để đảm bảo việc thi hành án. Việc này làm B không thể giao nhà cho bên thứ ba đúng hạn, dẫn đến việc B chịu phạt cọc theo hợp đồng bán nhà. Như vậy, thiệt hại từ việc bị áp dụng BPKCTT của B chính là khoản tiền phạt cọc. 

Theo Điều 140 BLTTDS  thì B phải làm đơn khiếu nại quyết định BPKCTT và gửi đến Tòa án nơi ra quyết định. B phải chứng minh được các thiệt hại của mình (ví dụ, đưa ra hợp đồng đặt cọc có ghi rõ điều khoản phạt cọc, giấy tờ thể hiện bên thứ ba mua nhà đã nhận tiền cọc,..)

Lưu ý, Tòa án sẽ căn cứ vào chứng minh thiệt hại của B để giải quyết khiếu nại. Vì vậy, hoặc là B sẽ chứng minh đầy đủ, hoặc là việc khiếu nại của B sẽ được tách ra giải quyết trong một vụ án khác (Điều 11, Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC về Giải đáp nghiệp vụ của Tòa án Nhân dân Tối cao).

Ngoài ra, nếu sau này Tòa án có phán quyết không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của A, đồng nghĩa với việc yêu cầu áp dụng BPKCTT của A là không đúng thì A phải bồi thường cho B theo khoản 1 Điều 113, BLTTDS 2015. Tòa án có thể buộc A bồi thường theo Bản án, hoặc B có đơn phản tố yêu cầu A bồi thường. 

Mức bồi thường căn cứ vào thiệt hại thực tế

Nguyên tắc bồi thường

Đối với trường hợp tòa án có trách nhiệm bồi thường

Theo khoản 2 Điều 111 BLTTDS 2015, Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ việc mà áp dụng BPKCTT mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc người thứ ba thì phải bồi thường khi:

  • Tòa án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu;
  • Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
  • Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng.

Nguyên tắc bồi thường là căn cứ vào thiệt hại xảy ra trên thực tế (Điều 22, Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước 2017) và phải rơi vào một trong các trường hợp nêu trên.

Đối với trường hợp đương sự có trách nhiệm bồi thường

  • Nguyên tắc bồi thường là:(1) việc áp dụng BPKCTT là không đúng (yêu cầu khởi kiện không được Tòa án chấp nhận) và (2) gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc người thứ ba (trên cơ sở chứng minh được thiệt hại).
  • Nguyên tắc này thể hiện quyền, đồng thời gắn trách nhiệm của người yêu cầu với khả năng gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của người khác. Từ đó buộc họ phải cân nhắc kỹ trước khi yêu cầu Tòa án thực hiện BPKCTT.
  • Việc giải quyết bồi thường chỉ xảy ra khi có thiệt hại trên thực tế của người bị áp dụng, hoặc bên thứ 3. Tuy nhiên, trường hợp người yêu cầu phải bồi thường thì miễn là việc áp dụng BPKCTT gây thiệt hại cho người bị áp dụng thì người yêu cầu phải bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, với chủ thể Tòa án thì việc bồi thường sẽ gắn với những trường hợp nhất định và được điều chỉnh bởi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

>>> Xem thêm: Chi phí đảm bảo khi thực hiện yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được tính như thế nào?

Thủ tục và thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thủ tục khiếu nại của đương sự

Nộp hồ sơ khiếu nại và nội dung đơn khiếu nại phải đầy đủ theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện giải quyết khiếu nại quyết định áp dụng BPKCTT được quy định tại (Điều 141 BLTTDS 2015) cụ thể như sau:

  1. Người khiếu nại nộp đơn khiếu nại đến Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án.
  2. Chánh án Tòa xem xét, giải quyết khiếu nại của người khiếu nại trong thời hạn 03 ngày làm việc.

Thời điểm thực hiện quyền khiếu nại của đương sự: có thể là (1) cùng thời điểm khi nộp đơn khởi kiện (trước khi xét xử) hoặc (2) trong quá trình xét xử mà đương sự có khiếu nại thì cũng được xem xét xử lý. Tuy nhiên, thời gian giải quyết của 2 thời điểm khiếu nại là khác nhau:

Trường hợp khiếu nại trước khi mở phiên xét xử

  •  Thời hạn giải quyết trong trường hợp này là 03 ngày.
  • Đơn khiếu nại sẽ được giải quyết trong cùng một vụ án dân sự, trừ trường hợp đương sự chưa có điều kiện chứng minh yêu cầu bồi thường thì có thể tách ra để giải quyết trong vụ án khác

Căn cứ: khoản 1 Điều 141 BLTTDS 2015, và văn bản Giải đáp nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC.

Trường hợp đương sự khiếu nại ngay tại phiên tòa

  • Hội đồng xét xử là chủ thể giải quyết khiếu nại đó và xem xét, thảo luận ngay tại phòng xử án;
  • Trường hợp Hội đồng xét xử không chấp nhận khiếu nại thì phải thông báo công khai tại phiên tòa việc không chấp nhận, nêu rõ lý do và phải ghi vào biên bản phiên tòa.
  • Lưu ý, Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Hội đồng xét xử là quyết định cuối cùng.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 17 Nghị quyết 02/2029/NQ-HĐTP (nghị quyết số 02) và khoản 3 Điều 141 BLTTDS 2015

Thủ tục giải quyết khiếu nại của Tòa án

Theo quy định chung tại điều 141 BLTTDS 2015, thời hạn giải quyết khiếu nại ấn định là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại. Theo nghị quyết số 02, chủ thể tiếp nhận và giải quyết khiếu nại bồi thường có thể là Chánh án Tòa án, hoặc Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc. Điều 16, Nghị quyết số 02 quy định chủ thể tiếp nhận giải quyết và thời hạn như sau:

  • Trường hợp Chánh án Tòa án là chủ thể tiếp nhận và giải quyết sẽ thuộc các khiếu nại về BPKCTT như sau: (1) tạm hoãn xuất cảnh, (2) gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, (3) giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh. Theo đó, trong thời hạn 03 ngày Chánh án xem xét và tự mình ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận khiếu nại.
  • Trường hợp Thẩm phán giải quyết khiếu nại, theo khoản 2 Điều 16 Nghị quyết 02, trong thời hạn 24 giờ Thẩm phán phải xử lý một trong 2 hướng: (1) Không chấp nhận khiếu nại và giải quyết khiếu nại, đồng thời báo cáo kết quả cho Chánh án Tòa án (khoản 1) hoặc (2) báo cáo về căn cứ ra quyết định của mình để Chánh án Tòa án xem xét, quyết định nếu khiếu nại có căn cứ (khoản 2).

>>> Xem thêm: Biện Pháp Khẩn Cấp Tạm Thời Trong Tố Tụng Trọng Tài

Quy trình giải quyết khiếu nại về BPKCTT của Tòa án

Trên đây là toàn bộ thông tin về Bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng của Chuyên Tư Vấn Luật. Nếu có các vấn đề pháp lý về sang tên Sổ đỏ, rủi ro khi mua bán đất chưa có Sổ đỏ, xin Quý bạn hãy liên hệ đặt lịch ngay với chúng tôi qua Hotline 1900.63.63.87 để được hỗ trợ nhanh nhất có thể. 

4.6 (13 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 755 bài viết