Luật Lao Động

Pháp luật lao động quy định mức lương tối thiểu như thế nào?

Mức lương tối thiểu được pháp luật quy định như thế nào là vấn đề mà nhiều người lao động quan tâm. Tuy nhiên trong mối quan hệ với người sử dụng lao động thì người lao động luôn có phần yếu thế hơn dẫn đến việc thua thiệt trong thỏa thuận về lương. Chính vì lẽ đó pháp luật đã ra các quy định về mức lương tối thiểu để làm cơ sở cho việc thỏa thuận, chi trả tiền lương đảm bảo mức sống cho người lao động.

Mức lương tối thiểu vùng được quy định như thế nào?

Mức lương tối thiểu vùng được quy định như thế nào?

>>> Xem thêm: Nội dung cơ bản trong thỏa ước lao động tập thể

Mức lương tối thiểu được hiểu như thế nào?

Theo quy định tại Điều 91 BLLĐ 2019 thì mức lương tối thiểu được hiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.

Theo đó, tùy vào mức độ phức tạp của công việc cũng như điều kiện làm việc mà người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về tiền lương tuy nhiên phải đảm bảo không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng

Mức lương tối thiểu vùng được Chính phủ xác định theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Việc xác lập, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng được dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

>>Xem thêm: Doanh nghiệp chậm trả lương có phải trả thêm lãi suất hay không?

Vai trò của mức lương tối thiểu vùng

Như đã đề cập ở trên, mức lương tối thiểu vùng có vai trò quan trọng trong việc xác định tiền lương của người lao động, là “mức sàn” về lương nhằm đảm bảo cuộc sống cho người lao động và gia đình họ. Ngoài chức năng chính trên, mức lương tối thiểu vùng còn có nhiều vai trò quan trọng khác trong nền kinh tế.

Thứ nhất, cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận về lương

Cụ thể theo quy định tại Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải đảm bảo:

  • Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;
  • Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Thứ hai, cơ sở để tính toán các khoản phụ cấp và thưởng trả cho người lao động.

Mức lương tối thiểu vùng còn là cơ sở để doanh nghiệp tính toán các khoản phụ cấp cho người lao động như phụ cấp khu vực, phụ cấp lưu động, phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, …

Mức lương tối thiểu vùng là cơ sở để tính lương và phụ cấp

Mức lương tối thiểu vùng là cơ sở để tính lương và phụ cấp

Thứ ba, cơ sở để thực hiện một số chế độ bảo hiểm xã hội

Mức lương tối thiểu vùng cũng là cơ sở để xác định mức tiền đóng các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, ví dụ như theo Điểm 2.6 Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 thì Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu quy định như sau:

  • Với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
  • Với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề: Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Thứ tư, mức lương tối thiểu vùng góp phần loại bỏ sự bóc lột có thể xảy ra đối với người làm công ăn lương trước sức ép của thị trường. Nhất là trong tình hình thất nghiệp còn cao, cung lao động nhiều hơn cầu lao động, là điều kiện để người sử dụng lao động có cơ sở gây sức ép với người lao động, trả cho họ một mức lương thấp hơn mức lương họ đáng được hưởng. Việc quy định tiền lương tối thiểu giới hạn rõ hành vi của người sử dụng lao động trong việc trả lương, bảo đảm sự cân bằng và bảo vệ người lao động khỏi sự bóc lột trước sức ép của thị trường.

Đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu vùng

Các đối tượng được áp dụng mức lương tối thiểu vùng được Chính phủ quy định cụ thể tại Điều 2 Nghị định 90/2019/NĐ-CP, cụ thể gồm có:

  • Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
  • Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
  • Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
  • Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác).

>>Xem thêm: Người lao động bị khấu trừ tiền lương khi nào?

Mức lương tối thiểu các vùng

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp hiện nay được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP

Mức lương tối thiểu các vùng

Mức lương tối thiểu các vùng

  • Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
  • Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
  • Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
  • Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Căn cứ vào phụ lục của Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng:

Vùng I bao gồm: thành phố, quận, huyện, thị xã trực thuộc trung tâm có nền kinh tế phát triển như: Gia Lâm; Đông Anh; Sóc Sơn; Thanh Trì; Thường Tín; Hoài Đức; Thạch Thất; Quốc Oai; Thanh Oai; Mê Linh, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây; thành phố Thủ Dầu Một, các thị xã Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo thuộc tỉnh Bình Dương, các quận và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thuộc thành phố Hồ Chí Minh, …

Vùng II: bao gồm các huyện, tỉnh, thành phố ngoại thành có nền kinh tế tương đối phát triển như: huyện Ba Vì, Tp. Hải Dương, Tp Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào, Vĩnh Yên; Phúc Yên; các thành phố Rạch Giá, Hà Tiên và huyện Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang; các thành phố Long Xuyên, Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang; Tp. Trà Vinh thuộc tỉnh Trà Vinh; TP Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau; Tp Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình….

Vùng III: bao gồm các quận, huyện, thị xã, có nền kinh tế ở mức khá tuy nhiên thấp hơn ở vùng II như: các huyện Cẩm Giàng; Nam Sách; Kim Thành; Kinh Môn; Gia Lộc; Bình Giang; Tứ Kỳ thuộc tỉnh Hải Dương; thị xã Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh; thị xã Giá Rai thuộc tỉnh Bạc Liêu; thị xã Vĩnh Châu, Ngã Năm thuộc tỉnh Sóc Trăng; các huyện Năm Căn, Cái Nước, U Minh, Trần Văn Thời thuộc tỉnh Cà Mau; các huyện Vĩnh Tường, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô thuộc tỉnh Vĩnh Phúc;

Vùng IV: bao gồm là các huyện, thị xã có nền kinh tế chưa phát triển, khó khăn, đặc biệt khó khăn (là các vùng, địa bàn còn lại).

>>> Xem thêm: Công ty nợ lương người lao động cần làm gì?

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết “Pháp luật lao động quy định Mức lương tối thiểu như thế nào?” nếu trong quá trình tìm hiểu quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc hay vấn đề liên quan cần được giải đáp vui lòng liên hệ HOTLINE 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT LAO ĐỘNG hỗ trợ nhanh nhất.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.7 (17 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 751 bài viết