Luật Doanh Nghiệp

Có được khấu trừ thu nhập vào khoản thiệt hại do người lao động gây ra?

Có được khấu trừ thu nhập vào khoản thiệt hại do người lao động gây ra? Đây là một trong những vấn đề đang được nhiều người lao động quan tâm. Người sử dụng lao động có được phép khấu trừ vào tiền lương khi người lao động gây thiệt hại hay không? Hành vi khấu trừ tiền lương trái pháp luật bị xử lý như thế nào? Sau đây, Chuyên tư vấn luật xin cung cấp một số thông tin liên quan cụ thể như sau:

Khấu trừ thu nhập vào khoản thiệt hại do người lao động gây ra

Khấu trừ thu nhập vào khoản thiệt hại do người lao động gây ra

Thiệt hại do người lao động gây ra có là cơ sở để bị khấu trừ tiền lương?

Căn cứ khoản 1 Điều 102 Bộ Luật lao động năm 2019 (BLLĐ 2019) thì người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 129 BLLĐ 2019 quy định người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ lương của người lao động trong 03 trường hợp sau:

  • Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản;
  • Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao;
  • Người lao động tiêu hao vật tư quá định mức cho phép.

Như vậy, có thể hiểu  khấu trừ lương là việc người sử dụng lao động trừ bớt một phần tiền lương của người lao động để bù vào khoản tiền đã chi hoặc đã bị thiệt hại trước đó. Và không phải thiệt hại nào do người lao động gây ra cũng bị khấu trừ vào tiền lương mà chỉ bị khấu trừ trong các trường hợp cụ thể nêu trên.

>>>Xem thêm: Thủ tục khởi kiện người lao động yêu cầu bồi thường thiệt hại

Căn cứ cho rằng việc khấu trừ tiền lương vào khoản thiệt hại do người lao động gây ra trái pháp luật

Người sử dụng lao động khấu trừ tiền lương của người lao động khi không thuộc các trường hợp căn cứ tại Điều 129 BLLĐ 2019, bao gồm:

  • Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động
  • Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao;
  • Người lao động tiêu hao vật tư quá định mức cho phép.

Căn cứ tại Điều 102 BLLĐ 2019 khi bị khấu trừ tiền lương thì người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình. Và nguyên tắc khấu trừ tiền lương như sau:

Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

Trong đó, mức bồi thường thiệt hại trong các trường hợp nêu trên như sau:

  1. Trường hợp do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng thì bồi thường nhiều nhất 03 tháng tiền lương.

Lưu ý: Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 theo Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:

  • Vùng I: Mức 4.420.000 đồng/tháng;
  • Vùng II: Mức 3.920.000 đồng/tháng;
  • Vùng III: Mức 3.430.000 đồng/tháng;
  • Vùng IV: Mức 3.070.000 đồng/tháng.
  1. Trường hợp làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động. Trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm.

Lưu ý: Nếu do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện khách quan không thể lường trước và không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.

Căn cứ khấu trừ trái pháp luật

Căn cứ khấu trừ trái pháp luật

Hình thức xử lý đối với hành vi khấu trừ tiền lương trái pháp luật

Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, khi có căn cứ cho rằng hành vi khấu trừ tiền lương của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động thì người lao động có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có thể khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện tại Tòa án.

Khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền

Căn cứ tại Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, thẩm quyền giải quyết khiếu nại như sau:

  • Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối về hành vi khấu trừ tiền lương của mình bị khiếu nại.
  • Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về hành vi khấu trừ tiền lương khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc đã hết thời hạn khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết.

Căn cứ tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định  người lao động có thể khiếu nại bằng hình thức gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp:

  • Khiếu nại bằng hình thức gửi đơn

Đơn khiếu nại ghi rõ nội dung sau đây: ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại. Đơn khiếu nại do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ;

  • Khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại theo quy định tại điểm a khoản này và yêu cầu người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản.

Căn cứ tại Điều 19, 27 Nghị định 24/2018/ NĐ-CP, thủ tục thụ lý và thời hạn giải quyết  khiếu nại như sau:

Đối với khiếu nại lần đầu:

  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.

Đối với khiếu nại lần hai:

  • Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại.

>>>Xem thêm: Các trường hợp người lao động phải bồi thường cho doanh nghiệp

Thời hạn giải quyết khiếu nại được quy định tại Điều 20, 28 Nghị định 24/2018/ NĐ-CP

  • Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý.
  • Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý.

Khởi kiện ra Toà án

Thành phần hồ sơ

Căn cứ Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015),  hồ sơ khởi kiện gồm:

  • Đơn khởi kiện theo mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP;
  • Hợp đồng lao động và các giấy tờ, biên bản liên quan đến việc khấu trừ tiền lương của người sử dụng lao động;
  • Biên bản hoà giải không thành của Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động đối với tranh chấp lao động cá nhân (nếu có); Biên bản hòa giải không thành của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền (nếu có);
  • Các tài liệu, chứng cứ kèm theo chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm;
  • Giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người khởi kiện.

Theo Điều 191, 195, 196, 197 BLTTDS 2015 trình tự, thủ tục khởi kiện về hành vi khấu trừ tiền lương trái pháp luật gồm các bước:

Bước 1: Chuẩn bị đơn khởi kiện kèm các tài liệu có liên quan để nộp kèm với đơn khởi kiện

Bước 2: Nộp đơn khởi kiện trực tiếp hoặc bằng đường bưu điện đến Tòa án kèm theo đơn khởi kiện các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Bước 3: Tòa án xem xét Đơn khởi kiện.

  • Trường hợp Tòa án xét thấy Đơn khởi kiện không cần phải sửa đổi, bổ sung và phù hợp thẩm quyền xét xử, Tòa án sẽ có thông báo để bạn đóng tạm ứng án phí sơ thẩm.
  • Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải đóng số tiền tạm ứng án phí được nêu tại thông báo cho Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện tại nơi khởi kiện và nộp lại cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
  • Vụ kiện sẽ được thụ lý khi người khởi kiện nộp biên lai này cho Tòa án và Tòa án sẽ gửi thông báo về việc thụ lý vụ án trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Bước 4: Tòa án sẽ tiến hành giải quyết vụ án và triệu tập người khởi kiện lên để làm bản tự khai và giải trình những điểm chưa rõ trong vụ án cũng như cung cấp thêm các chứng cứ cần thiết.

Phương thức liên hệ Luật sư

Phương thức liên hệ Luật sư

>>>Xem thêm: Dịch vụ Luật sư tư vấn pháp luật Lao động

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến Có được khấu trừ thu nhập vào khoản thiệt hại do người lao động gây ra? Nếu như bạn có bất cứ vướng mắc nào hoặc có nhu cầu tìm hiểu thêm xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT DOANH NGHIỆP tư vấn và hỗ trợ. Xin cảm ơn.

4.6 (13 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 724 bài viết