Luật Hôn Nhân Gia Đình

Chia Tài Sản Khi Ly Hôn Đơn Phương

Trong cuộc sống hôn nhân, một khi các bên đã không còn sống được với nhau, không còn tìm được tiếng nói chung nữa thì việc ly hôn là vấn đề tất yếu. Khi muốn ly hôn, có ba vấn đề các bên cần quan tâm đó là: nhân thân, con chung và tài sản. Trong đó, vấn đề tài sản thường khó đạt được sự thống nhất của hai bên nên các bên thường đơn phương ly hôn vì vấn đề này. Vậy, giải quyết chia tài sản khi ly hôn đơn phương như thế nào?

Quy định về chia tài sản khi ly hôn đơn phương

Quy định về chia tài sản khi ly hôn đơn phương

Xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng

Thứ nhất, xác định tài sản chung của vợ chồng:

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp vợ chồng chia tài sản chung thì phần hoa lợi, lợi tức phát sinh từ việc chia đó sẽ là tài sản riêng; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

CSPL: Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Thứ hai, xác định tài sản riêng của vợ chồng:

  • Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
  • Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
  • Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo thỏa thuận;
  • Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

CSPL: Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Tài sản của vợ chồng khi ly hôn được chia như thế nào?

Khi một trong hai bên muốn ly hôn đơn phương thì việc chia tài sản được thực hiện như sau:

Tòa án sẽ căn cứ theo thỏa thuận của vợ chồng. Nếu vợ chồng không tự thỏa thuận được, Tòa án sẽ xem xét đến việc vợ chồng áp dụng chế độ tài sản nào.

  1. Nếu vợ chồng có thỏa thuận và thỏa thuận này không vô hiệu thì áp dụng theo thỏa thuận của các bên;
  2. Nếu vợ chồng không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần thì phần bị vô hiệu sẽ áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:

Thứ nhất, chia tài sản chung của vợ chồng theo nguyên tắc chia đôi như sau:

Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn đơn phương như thế nào

Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn đơn phương như thế nào

  • Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng: Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng. 
  • Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung: Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn. 
  • Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập: xét việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. 
  • Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng: xét yếu tố lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.

CSPL: Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.

Thứ hai, chia tài sản riêng của vợ chồng

Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật hôn nhân gia đình.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Hồ sơ cần chuẩn bị

Hồ sơ bên yêu cầu ly hôn đơn phương cần chuẩn bị gồm:

  1. Đơn khởi kiện ly hôn (theo mẫu);
  2. Bản chính Giấy đăng ký kết hôn;
  3. Bản sao CMND, số hộ khẩu của hai vợ chồng;
  4. Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con chung);
  5. Bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà hoặc giấy tờ chứng minh cho các tài sản khác;
  6. Bản sao Giấy vay nợ (nếu có).

Thủ tục thực hiện

  • Bước 1: Vợ/chồng nộp đơn khởi kiện và hồ sơ kèm theo ra Tòa án Nhân dân cấp huyện nơi cư trú của chồng/vợ (bị đơn) để yêu cầu Tòa án giải quyết, có thể nộp đơn trực tiếp, gửi qua bưu điện hoặc gửi trực tuyến.

Thủ tục khởi kiện ly hôn đơn phương

Thủ tục khởi kiện ly hôn đơn phương

  • Bước 2. Sau khi nhận đơn, Tòa án ra Thông báo nhận đơn. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Chánh án phân công Thẩm phán xem xét đơn. Sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải xem xét đơn và ra một trong các quyết định sau:
  1. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  2. Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án;
  3. Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  4. Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
  • Bước 3. Người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện hoặc đóng tiền tạm ứng án phí tại Cơ quan thi hành án dân sự trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày có thông báo nộp. Sau khi đã đóng tiền, nộp biên lai lại cho Tòa án.
  • Bước 4. Thẩm phán ra quyết định thụ lý vụ án khi đương sự nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Thời hạn giải quyết ly hôn đơn phương tại Tòa án

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án ly hôn là 4 tháng, đối với vụ án phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể gia hạn thêm nhưng không quá 2 tháng. Do vậy, thời hạn tối đa là 6 tháng.

Trong trường hợp có quyết định tạm đình chỉ thì thời hạn được tính tiếp theo kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết liên quan đến vấn đề “Chia tài sản khi ly hôn đơn phương”. Trong trường hợp Quý khách có bất kỳ khó khăn nào về pháp lý cần hỗ trợ, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn và hỗ trợ tận tình.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.7 (13 bình chọn)

Bài viết được thực hiện bởi Lê Minh Phúc - Chuyên Viên Pháp Lý

Chức vụ: Chuyên viên pháp lý

Lĩnh vực tư vấn: Thừa Kế, Dân Sự, Đất Đai

Trình độ đào tạo: Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3 năm

Tổng số bài viết: 498 bài viết

error: Content is protected !!