Luật Hình Sự

Che giấu tội phạm bị khởi tố hình sự trong trường hợp nào?

Che giấu tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội bởi nó cản trở hoặc gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và người phạm tội. Hơn nữa, ở một chừng mực nhất định đây còn là hành vi mang ý nghĩa khuyến khích người phạm tội thực hiện tội phạm, thể hiện sự coi thường pháp luật, các chuẩn mực xã hội, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Vậy, che giấu tội phạm bị khởi tố hình sự trong trường hợp nào? Hãy cùng Chuyên tư vấn luật tìm hiểu về vấn đề trên thông qua bài viết dưới đây.


che giấu

Che giấu tội phạm bị khởi tố hình sự trong trường hợp nào?

Che giấu tội phạm bị khởi tố hình sự trong trường hợp nào?                                                            

Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về che giấu tội phạm, trường hợp người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.

Cùng với đó, Điều 389 BLHS quy định cụ thể về tội che giấu tội phạm với mức hình phạt tùy theo mức độ sẽ bị cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm. Trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Tuy nhiên, khi người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015 (khoản 2 Điều 18 BLHS 2015).

Như vậy, che giấu tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội và được quy định là tội phạm trong Bộ luật Hình sự. Cá nhân nếu không thuộc trường hợp ngoại lệ nêu trên khi thực hiện hành vi che giấu tội phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định.

>>>Xem thêm: Đồng phạm trong vụ án hình sự là gì?

Điều kiện cấu thành tội che giấu tội phạm

  • Khách thể:

Tội che giấu tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định trong Bộ luật Hình sự. Theo đó, khách thể của các tội xâm phạm hoạt động tư pháp nói chung và tội che giấu tội phạm nói riêng là quyền lợi của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân và hoạt động đúng đắn của của các cơ quan tư pháp.

Với việc xâm hại hoạt động đúng đắn của các cơ quan này, hành vi che giấu tội phạm ngoài xâm phạm hoạt động tư pháp đồng thời còn xâm hại đến nhiều quan hệ xã hội khác được pháp luật hình sự bảo vệ. Đó là các quan hệ nhân thân, sở hữu cũng như các quan hệ xã hội khác.

>>>Xem thêm: Luật sư bị xử lý hình sự nếu không tố giác hành vi phạm tội của thân chủ

  • Mặt khách quan:

Người phạm tội có hành vi gây khó khăn, trở ngại nghiêm trọng cho việc phát hiện, xử lý tội phạm và người phạm tội. Hành vi che giấu được biểu hiện cụ thể như sau:

  • Che dấu người phạm tội: cho người phạm tội ẩn náu trong nhà mình hoặc một nơi nào khác hoặc biết người phạm tội đang ở đâu nhưng không khai báo và tìm mọi cách che dấu để người khác không biết được.
  • Che dấu dấu vết, tang vật của tội phạm: tương tự việc che dấu người phạm tội thì chủ thể của tội danh này cũng tìm mọi cách để ngăn chặn sự tiếp xúc của đối tượng thứ ba.
  • Cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm: thể hiện ở các hành vi như cố tình cung cấp các thông tin sai sự thật, xóa bỏ dấu vết của tội phạm, tiêu hủy các công cụ, phương tiện tội phạm…

Cần lưu ý rằng, việc thực hiện các hành vi nêu trên phải không có sự hứa hẹn trước giữa người bao che với người thực hiện tội phạm đồng thời những hành vi này phải xảy ra sau khi biết hành vi phạm tội đã được thực hiện. Và, người thực hiện hành vi nêu trên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi che giấu một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 Bộ luật hình sự 2015.

  • Chủ thể:

Chủ thể của của tội phạm là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự, ngoại trừ trường hợp có đối tượng che dấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, đây là các đối tượng có mối quan hệ mật thiết với người phạm tội về huyết thống, hôn nhân mà pháp luật hình sự đã loại họ ra khỏi chủ thể của tội danh này. Việc loại bỏ xuất phát từ văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 Bộ luật hình sự 2015 thì các chủ thể đặc biệt này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự mà không có bất kỳ sự ngoại lệ nào.

  • Mặt chủ quan:

Về yếu tố lỗi, người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Về mặt nhận thức, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là tạo điều kiện cho người phạm tội trốn tránh được sự trừng phạt của pháp luật nhưng vẫn thực hiện. Đặc biệt, người thực hiện hành vi che giấu tội phạm không biết trước hành vi phạm tội và cũng không có hứa hẹn gì trước với người thực hiện hành vi phạm tội. Nếu có sự thỏa thuận trước thì hành vi che giấu ấy là hành vi đồng phạm với vai trò giúp sức của tội phạm đã thực hiện.

Cấu thành tội che giấu tội phạm

khung hình phạt

Khung hình phạt che giấu tội phạm

Người phạm tội che giấu tội phạm phải chịu hình phạt như sau:

  • Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm, áp dụng trong những trường hợp che giấu một trong các tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 389 Bộ luật Hình sự.
  • Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội.

hình phạt

Hình phạt đối với tội che giấu tội phạm

Phân biệt che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm

Che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm đều là hành vi gây ảnh hưởng đến hoạt động tư pháp của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm có những điểm khác biệt sau:

  • Che giấu tội phạm trong nhận thức của người thực hiện hành vi là không biết trước hành vi phạm tội và cũng không có hứa hẹn gì với người thực hiện hành vi phạm tội còn không tố giác tội phạm là biết rõ hành vi phạm tội đã, đang và sẽ xảy ra nhưng vẫn không báo với cơ quan có thẩm quyền.
  • Thời điểm của hành vi che giấu tội phạm là sau khi tội phạm đã thực hiện xong, còn với hành vi không tố giác tội phạm là trong mọi thời điểm khi hành vi phạm tội đang diễn ra.
  • Hành vi của việc che giấu tội phạm thường là che giấu dấu vết, tang vật của tội phạm, cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội. Còn hành vi của không tố giác tội phạm là không báo với cơ quan có thẩm quyền tội phạm đã, đang và sẽ xảy ra.
  • Hình phạt của tội che giấu tội phạm là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm. Còn tội không tố giác tội phạm, hình phạt là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Đặc biệt, nếu có hành động can ngăn hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

>>>Xem thêm: Che giấu tội phạm khác gì không tố giác tội phạm?

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến nội dung khởi tố hình sự về tội che giấu tội phạm. Nếu như bạn có bất cứ vướng mắc nào hoặc có nhu cầu tìm hiểu thêm xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được LUẬT SƯ HÌNH SỰ tư vấn và hỗ trợ. Xin cảm ơn.


 

4.5 (11 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 899 bài viết