Luật Lao Động

Cam kết không làm việc cho công ty đối thủ khi nghỉ việc có đúng luật?

Cam kết không làm việc cho công ty đối thủ khi nghỉ việc có đúng luật không khi mà người lao động đã kết thúc công việc tại công ty cũ. Thực tế hiện nay trước khi vào làm việc cho công ty, người sử dụng lao động yêu cầu người lao động ký bản cam kết KHÔNG LÀM VIỆC cho đối thủ khi nghỉ việc để bảo mật thông tin kinh doanh. Vậy pháp luật có cho phép ký CAM KẾT này không? Bài viết sau đây sẽ giải đáp thắc mắc cho quý bạn đọc.

Cam kết không làm việc cho đối thủ cạnh tranh đúng luật?Cam kết không làm việc cho đối thủ cạnh tranh đúng luật?

Những hành vi NSDLĐ không được làm khi giao kết

Căn cứ khoản 1 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được làm những hành vi sau khi giao kết hợp đồng lao động, thực hiện hợp đồng lao động:

  • Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
  • Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
  • Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

Quyền của người lao động khi thực hiện hợp đồng lao động

Tại Điều 5 Bộ luật Lao động 2019, quyền của người lao động khi thực hiện hợp đồng lao động gồm:

  • Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
  • Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
  • Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
  • Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
  • Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
  • Đình công;
  • Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Cam kết không làm việc cho công ty đối thủ khi nghỉ việc có đúng luật không

Các thỏa thuận trong hợp đồng lao động đúng luậtCác thỏa thuận trong hợp đồng lao động đúng luật

Theo Hiến pháp năm 2013 quy định mọi công dân đều có quyền tự do lựa chọn việc làm, lựa chọn nơi làm việc theo ý chí của mình. Đây cũng là một trong những quyền cơ bản của công dân.

Kế thừa tinh thần của Hiến pháp, Điều 10 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động có quyền tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.

Thêm vào đó, tại khoản 6 Điều 9 Luật Việc làm 2013 nghiêm cấm hành vi cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.

Vậy, có thể thấy rằng người lao động có quyền tự do lựa chọn nơi làm việc ở bất kỳ đâu trên cơ sở pháp luật không cấm và không ai được phép gây cản trở, khó khăn. Cam kết không làm việc cho đối thủ khi nghỉ việc đã gây khó khăn đối với cơ hội việc làm của người lao động. Bởi khi chấm dứt hợp đồng lao động thì quyền và nghĩa vụ của hai bên cũng đồng thời chấm dứt.

>>> Xem thêm: Cam kết không mang thai trong thời gian làm việc có vi phạm pháp luật

Thỏa thuận bảo mật thông tin trong hợp đồng lao động

Cam kết bảo mật thông tin trong hợp đồng lao độngCam kết bảo mật thông tin trong hợp đồng lao động

Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng lao động, theo quy định tại khoản 2 Điều 21 BLLĐ 2019 ghi nhận thỏa thuận cam kết bảo mật thông tin trong hợp đồng lao động.

Cụ thể khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.

Dựa trên cơ sở này thì nhiều doanh nghiệp và người lao động đã tiến hành ký cam kết về việc không làm việc cho đối thủ cạnh tranh trong một thời gian nhất định sau khi nghỉ việc để bảo đảm người lao động không tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ cho đối thủ cạnh tranh.

Hướng giải quyết về tranh chấp cam kết hợp đồng lao động khi nghỉ việc

Nếu người lao động tự nguyện ký vào bản cam kết không làm việc cho công ty đối thủ khi nghỉ việc thì đồng nghĩa với việc người lao động phải tuân thủ. Đây là thỏa thuận hợp pháp nên nếu khi nghỉ việc mà người lao động vi phạm cam kết, thì phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng lao động theo mức phạt đã thỏa thuận.

Do đó, người lao động phải thông thái và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đặt bút ký cam kết không làm việc cho đối thủ cạnh tranh khi nghỉ việc để sau này xảy ra tranh chấp phải bồi thường.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến vấn đề cam kết không làm việc cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc của Công ty Luật Long Phan MPT. Nếu bạn đọc có bất cứ thắc mắc nào xoay quanh pháp luật lao động, vui lòng liên hệ HOTLINE: 1900.63.63.87 để được LUẬT SƯ LAO ĐỘNG tư vấn và hỗ trợ pháp lý kịp thời. Xin cảm ơn.

4.5 (16 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 754 bài viết