Luật Dân sự

Cách tính công sức tôn tạo, quản lý tài sản khi giải quyết tranh chấp

Cách tính công sức tôn tạo, quản lý tài sản khi giải quyết tranh chấp là vấn đề đang được nhiều người dân quan tâm bởi đó là quyền lợi chính đáng mà họ được hưởng khi bỏ công giữ gìn, phát triển khối tài sản. Vậy chi tiết cách tính như thế nào, có những điểm gì cần chú ý? Mời quý độc giả theo dõi nội dung tư vấn dưới bài viết.

Công sức tôn tạo quản lý tài sản đất đai tranh chấp
Công sức tôn tạo quản lý tài sản đất đai tranh chấp

>>> Xem thêm: Chi phí quản lý tài sản nhờ đứng tên hộ được xác định như thế nào?

Phân biệt công sức tôn tạo và chi phí đã bỏ ra

Để xác định công sức tôn tạo một cách công bằng, hợp lý, cần chú ý phân biệt rạch ròi công sức tôn tạo và chi phí đã bỏ ra, cụ thể:

  • Công sức tôn tạo được tính bằng sức lực, thời gian mà con người đã bỏ ra để giữ gìn và phát triển giá trị tài sản, công sức “chăm sóc” nuôi dưỡng các thành viên trong gia đình,…
  • Chi phí được tính bằng hóa đơn, khoản tiền đã bỏ ra để nuôi dưỡng người thân, tiền thuốc thang, tiền thuê giúp việc,… Các chi phí để sửa lại nhà như sơn, trát tường. Các khoản tiền này đều tính được và chứng minh được thông qua hóa đơn, xác nhận của người bán hàng, người vận chuyển,….

Tính công sức đóng góp trong các vụ án hôn nhân gia đình

Trong vụ án hôn nhân gia đình, công sức đóng góp được xác định trong các trường hợp sau:

Giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân gia đình 2014:

  • Tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được chia đôi;
  • Có tính đến công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung;
  • Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập.

Giải quyết tài sản đối với trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật HNGĐ năm 2014:

  • Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con;
  • Công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Tính công sức đóng góp của vợ chồng khi ly hôn
Tính công sức đóng góp của vợ chồng khi ly hôn

Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình quy định tại Khoản 1 Điều 61 Luật HNGĐ năm 2014:

  • Nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình;
  • Việc chia căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình;
  • Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình;

Tóm lại, các tiêu chí để xác định công sức đóng góp trong vụ án hôn nhân gia đình có thể kể đến như sau:

  • Công sức tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung;
  • Công sức chăm sóc, nuôi dưỡng các thành viên trong gia đình.
  • Công sức duy trì đời sống chung.

Tính công sức đóng góp khi chia thừa kế

Căn cứ theo Án lệ 05/2016/AL và Điều 618 BLDS 2015, người quản lý di sản được thanh toán chi phí bảo quản di sản. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý. 

Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 658 BLDS, chi phí cho việc bảo quản di sản được ưu tiên lên vị trí thanh toán thứ 3 sau chi phí cho việc mai táng và tiền cấp dưỡng.

Như vậy, người quản lý di sản có quyền được tính công sức đóng góp khi chia thừa kế. Quy định này nhằm khuyến khích cho việc họ đã có công gìn giữ khối di sản mà người chết để lại.

Công sức tôn tạo đóng góp đất đai khi chia thừa kế
Công sức tôn tạo đóng góp đất đai khi chia thừa kế

Cách tính công cải tạo bảo quản đất trong vụ án dân sự

Theo Án lệ số 02/2016/AL, trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người ở trong nước đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ mình, khi giải quyết tranh chấp thì Tòa án phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người đứng tên hộ.

Như vậy, việc tính công sức cải tạo, bảo quản đất có thể dựa trên các tiêu chí như:

  • Tầm quan trọng của việc quản lý đất đai;
  • Giá trị của mảnh đất;
  • Việc quản lý tài sản yêu cầu trình độ chuyên môn cao, chi phí thời gian nhiều, bỏ nhiều công sức.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến cách tính công sức tôn tạo, quản lý tài sản khi giải quyết tranh chấp. Nếu quý độc giả gặp khó khăn trong quá trình XÁC ĐỊNH công sức tôn tạo cũng như có YÊU CẦU nhờ Luật sư giải quyết THỦ TỤC trả chi phí quản lý tài sản, vui lòng liên hệ HOTLINE 1900.63.63.87 hoặc email: chuyentuvanluat@gmail.com. để được giải đáp chi tiết. Xin cảm ơn. /.

4.8 (16 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 754 bài viết