Khi phát hiện vợ hoặc chồng ngoại tình, thông thường người trong cuộc sẽ quyết định ly hôn, thậm chí không ít trường hợp chọn cách “đánh ghen”. Tuy nhiên, vợ/chồng khi phát hiện ngoại tình, cần có cách thức xử lý khác vừa đúng quy định của pháp luật, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình vừa có thể bảo vệ hạnh phúc gia đình. Bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về hôn nhân gia đình, đặc biệt về “Cách thức xử lý khi phát hiện ngoại tình”.

>>Xem thêm: Hướng dẫn khởi kiện đòi bồi thường khi bị đánh ghen?
Mục Lục
Xử phạt hành chính về việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng
Quy định pháp luật Hôn nhân và Gia đình chỉ thừa nhận chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cấm các hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng, cụ thể: người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Do đó các hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý.
Khi phát hiện vợ hoặc chồng ngoại tình hay chung sống như vợ chồng với người khác, bên còn lại có thể tố cáo đến Ủy ban nhân dân xã. Nếu xác định được hành vi ngoại tình đó là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, người có hành vi vi phạm (kể cả vợ/chồng của người tố cáo và cả người ngoại tình) sẽ bị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định đối với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi trên Điều 66 và Điều 72 Nghị định 110/2013/NĐ-CP.
Xử lý trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng
Hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tội danh “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng”. Theo đó, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm nếu rơi vào một trong các trường hợp sau đây:
- Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Như vậy, nếu hành vi ngoại tình được chứng minh là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và hành vi vi phạm đó làm phát sinh hậu quả làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Hoặc nếu hành vi ngoại tình đã bị xử phạt hành chính mà vẫn còn vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với hành vi ngoại tình vi phạm chế độ hôn nhân mà phát sinh hậu quả làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; hoặc đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Khởi kiện dân sự về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Trong trường hợp hành vi ngoại tình của người ngoại tình hoặc vợ/chồng ngoại tình gây thiệt hại cho bên còn lại có thể bị khởi kiện dân sự về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Điều 29 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Nếu có căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp sẽ phải bồi thường theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, nếu hành vi ngoại tình gây thiệt hại trên thực tế thì người có hành vi vi phạm phải bồi thường thiệt hại toàn bộ và kịp thời theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Cách thức xử lý khi phát hiện ngoại tình”. Trường hợp Quý khách hàng có bất cứ thắc mắc nào về nội dung trên hoặc hôn nhân gia đình, vui lòng liên hệ chúng tôi qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất. Xin cảm ơn!
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.