Luật Doanh Nghiệp

Các lưu ý về thời gian và địa điểm giao nhận hàng hóa trong hợp đồng mua bán

Các lưu ý về thời gian và địa điểm giao nhận hàng hóa trong hợp đồng mua bán gồm những gì? Pháp luật quy định như thế nào về thời gian và địa điểm giao nhận hàng hóa? Hãy cùng Luật sư của Chuyên Tư Vấn Luật giải đáp thắc mắc về vấn đề trên.

Giao nhận hàng hóa

Giao nhận hàng hóa

Các lưu ý về thời gian giao nhận hàng hóa

Khái niệm ngày, giờ mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng

Do có sự khác nhau về vị trí địa lý, mỗi quốc gia sẽ luôn có một mùi giờ riêng, điều này cũng dẫn đến sự khác nhau về ngày tháng. Do đó, để giải quyết vấn đề giờ, có thể áp dụng quy tắc AM và PM khi thỏa thuận hợp đồng.

Trong đó, AM có nghĩa là trước buổi trưa, mốc thời gian sẽ từ 12 giờ đêm tới 12 giờ trưa. Đây là khoảng thời gian được gọi là AM. AM gọi chung cho giờ vào buổi sáng. Giả sử khi ghi nhận 12:00 AM, tức là 24 giờ 0 phút. Ngược lại, PM có nghĩa là sau buổi trưa, mốc thời gian sẽ từ 12 giờ trưa cho tới 12 giờ đêm. PM gọi chung cho giờ từ lúc chiều cho tới tối. Ví dụ 12:00 PM, tức 12 giờ 0 phút trưa theo giờ Việt Nam. 

Đối với vấn đề ngày, các bên khi thỏa thuận cũng đặc biệt lưu ý. Giả sử, khi các bên thỏa thuận “bên bán sẽ giao hàng sau 20 ngày, tính từ ngày hôm nay (01/9/2021)”. Lúc này, bên bán có thể xảy ra những khó khăn khi xác định ngày giao hàng, 20 ngày ở đây được tính liên tục hay trừ ngày nghỉ (02/9) hay theo ngày làm việc (01 tuần chỉ gồm 5 ngày). Do đó, khi thỏa thuận các vấn đề liên quan đến ngày, các bên cần ghi nhận cụ thể, rõ ràng, chính xác ngày, ngày liên tục hay ngày làm việc và cả vấn đề ngày nghỉ.

>>>Xem thêm: Những điểm cần lưu ý khi chuyển rủi ro khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa

Các mốc thời gian trong quá trình giao nhận

Liên quan đến thời gian giao hàng hóa, Điều 37 Luật Thương mại 2005 đã quy định cho phép các bên được quyền thỏa thuận. Đồng thời, bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thỏa thuận trong hợp đồng. 

Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 37 Luật Thương mại 2005 thì trường hợp các bên chỉ thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng.

Theo quy định tại Điều 44 Luật Thương mại 2005, các bên được thỏa thuận về vấn đề để bên mua tiến hành kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng. Theo đó, khi các bên đã thỏa thuận về việc kiểm tra này, thì bên mua phải kiểm tra hàng hóa trong một thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép. Trường hợp hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa thì việc kiểm tra hàng hóa có thể được hoãn lại cho tới khi hàng hóa được chuyển tới địa điểm đến.

Liên quan đến thời gian bốc, xếp hàng. Có thể xem xét Điều 179, 180 Bộ luật Hàng hải 2015 thì trong trường hợp các bên có sử dụng tàu biển để vận chuyển hàng thì  được thỏa thuận thời hạn bốc hàng trong hợp đồng. 

Xác định thời gian giao nhận hàng nếu có bên thứ ba

Xác định thời gian giao nhận hàng khi liên quan tới bên thứ ba, cụ thể là bên vận chuyển là một lưu ý quan trọng. Hiện nay, pháp luật vẫn để ngỏ vấn đề này do đó khi soạn thảo hợp đồng mua bán, các bên tham gia hợp đồng phải thỏa thuận rõ ràng. Trường hợp cần thiết, có thể căn cứ vào hợp đồng vận chuyển để làm cơ sở xác lập hợp đồng mua bán. 

Đặc biệt, các bên tham gia cần sự thống nhất về trách nhiệm pháp lý, vấn đề bồi thường, phạt vi phạm hợp đồng khi bên vận chuyển giao hàng trễ hơn thời hạn giao hàng trong hợp đồng mua bán, trong từng trường hợp như sự chậm trễ này không phải do lỗi của bên bán; xảy ra do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan; do lỗi hoàn toàn của bên vận chuyển; lỗi của bên mua hoặc khi do lỗi của các bên. 

Mặt khác, nếu bên vận chuyển giao hàng sớm hơn thời hạn thì bên mua có quyền từ chối nhận hàng hay không, nếu bên mua được quyền từ chối, thì số hàng hòa giải đó quyết như thế nào cho tới ngày giao hàng. Trong trường hợp này cũng cần xác định do lỗi của ai, nếu do lỗi của bên vận chuyển thì có phải chịu trách nhiệm gì đối với bên bán (bên thuê vận chuyển), bên vận chuyển phải nghĩa vụ bảo hành hàng hóa cho tới ngày giao hàng hay không và bào hành như thế nào. Các vấn đề này các bên phải có sự thỏa thuận rõ ràng, nếu không sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với các bên tham gia hợp đồng.

Xác định mốc thời gian sớm và trễ

Bên cạnh quy định về giao hàng đúng thời gian, pháp luật cũng đã quy định trong trường hợp bên bán giao hàng quá sớm. Giao hàng sớm là trường hợp giao hàng trước thời hạn hay thời điểm đã thỏa thuận. Theo quy định tại Điều 38 Luật Thương mại 2005 thì trường hợp bên bán giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận hàng nếu các bên không có thỏa thuận khác. Lưu ý, bên mua chỉ có quyền từ chối nhận hàng trong khoảng thời gian hàng giao trước thời hạn. Nếu đến thời hạn, thời điểm đã thỏa thuận, bên bán giao hàng trở lại thì bên mua có nghĩa vụ nhận hàng.

Đối với vấn đề giao hàng muộn, tuy pháp luật Thương mại hiện hành không có quy định, nhưng đây là một vấn đề đã xảy ra trên thực tế. Giao hàng muộn là giao hàng sau thời hạn hoặc thời điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng. Giao hàng muộn này là một hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên bán. Bên bán đã vi phạm nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn, thời điểm mà các bên đã thỏa thuận theo Điều 37 Luật Thương mại 2005.

Mua bán hàng hóa

Mua bán hàng hóa

Các lưu ý về địa điểm giao nhận hàng hóa

Xác định chính xác điểm giao nhận hàng

Theo quy định tại Điều 35 Luật Thương mại 2005, các bên được thỏa thuận về địa điểm giao hàng hóa. Cùng đó, bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm đã thỏa thuận. Mặt khác, nếu không có thỏa thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm giao hàng được xác định như sau:

  • Trường hợp hàng hóa là vật gắn liền với đất đai thì bên bán phải giao hàng tại nơi có hàng hóa đó.
  • Trường hợp trong hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hóa thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên.
  • Trường hợp trong hợp đồng không có quy định về vận chuyển hàng hóa, nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên biết được địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hóa thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó.
  • Trong các trường hợp khác, bên bán phải giao hàng tại địa điểm kinh doanh của bên bán, nếu không có địa điểm kinh doanh thì phải giao hàng tại nơi cư trú của bên bán được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán.

>>>Xem thêm:  Hợp đồng mua bán hàng hóa

Xác định chính xác điều kiện giao nhận hàng

Hợp đồng giữa các thương nhân đến từ các nước khác nhau có thể áp dụng Incoterms 2020 làm căn cứ thỏa thuận về điều kiện giao hàng, các điều kiện giao hàng của Incoterms được chia thành 2 nhóm chính là 7 điều kiện áp dụng cho mọi phương thức vận tải và 4 điều kiện áp dụng cho phương thức vận tải biển và thủy nội bộ. Trong đó:

Các điều kiện áp dụng cho mọi phương thức vận tải

  • EXW – Ex Works – Giao tại xưởng.
  • FCA – Free Carrier – Giao cho người chuyên chở.
  • CPT – Carriage Paid To – Cước phí trả tới.
  • CIP – Carriage and Insurance Paid To – Cước phí và bảo hiểm trả tới.
  • DAT – Delivered At Terminal – Giao tại bến.
  • DAP – Delivered At Place – Giao tại nơi đến.
  • DDP – Delivered Duty Paid – Giao hàng đã nộp thuế.

Các điều kiện chỉ áp dụng cho phương thức vận tải biển và thủy nội bộ

  • FAS – Free Alongside Ship – Giao tại mạn tàu.
  • FOB – Free On Board – Giao lên tàu.
  • CFR – Cost and Freight – Tiền hàng và cước phí.
  • CIF – Cost, Insurance and Freight – Tiền hàng, bảo hiểm và cước phí

Tương ứng với thời gian, nghĩa vụ giao hàng của bên bán là nghĩa vụ nhận hàng của bên mua. Incoterm 2020 cũng đã ghi nhận nghĩa vụ nhận hàng của bên mua. Đồng thời, tại Điều 56 Luật Thương mại 2005 đã quy định Bên mua có nghĩa vụ nhận hàng theo thỏa thuận và thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng.

Xác định điều kiện từ chối nhận hàng và nghĩa vụ thông báo

Pháp luật quy định bên mua có nghĩa vụ nhận hàng hóa, tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định bên mua có quyền từ chối nhận hàng hóa.

  • Bên mua có quyền từ chối nhận hàng khi bên bán giao hàng trước thời hạn, thời điểm giao hàng đã thỏa thuận theo Điều 38 Luật Thương mại 2005. Cũng như các phân tích ở trên, quyền từ chối nhận hàng này chỉ được tồn tại trong khoảng thời gian hàng giao trước thời hạn.
  • Bên mua có quyền từ chối nhận hàng khi bên bán giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng theo Điều 39 Luật Thương mại 2005.
  • Bên mua cũng có quyền từ chối nhận hàng khi bên bán giao thừa hàng theo Điều 43 Luật Thương mại 2005. Ngược lại, nếu  bên mua chấp nhận số hàng thừa thì phải thanh toán theo giá thỏa thuận trong hợp đồng.

Liên quan về nghĩa vụ thông báo của bên mua. Nghiên cứu các quy tắc của Incoterm 2020, thì bên mua có nghĩa vụ thông báo kịp thời cho bên bán khi bên mua có quyền quyết định ngày, điểm nhận hàng tại nơi nhận hàng đã thỏa thuận. Ví dụ như, các bên đã thỏa thuận giao hàng tại kho hàng A của bên mua, nhưng khi sắp đến thời hạn bên bán giao hàng thì kho A của bên mua xảy ra hỏa hoạn, không thể chứa hàng được nữa. Khi này, bên mua phải thông báo ngay cho bên bán về sự cố diễn ra tại kho A để các bên cùng tìm phương án phù hợp về địa điểm giao hàng khác.

Các lưu ý về chứng từ giao nhận hàng

Điều 34 Luật Thương mại quy định rằng việc giao hàng, chứng từ liên quan đến hàng hóa là nghĩa vụ  của bên bán. Đây là loại giấy tờ chứa đựng thông tin về hàng hóa, số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói,… Giao chứng từ là vấn đề quan trọng, đây là cơ sở để bên mua thực hiện thanh toán và căn cứ vào đó để tiến hành kiểm tra hàng hóa. Do đó, tại Điều 42 Luật Thương mại đã quy định như sau:

  • Trường hợp có thỏa thuận về việc giao chứng từ thì bên bán có nghĩa vụ giao chứng từ liên quan đến hàng hóa cho bên mua trong thời hạn, tại địa điểm và bằng phương thức đã thỏa thuận.
  • Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn, địa điểm giao chứng từ liên quan đến hàng hóa cho bên mua thì bên bán phải giao chứng từ liên quan đến hàng hóa cho bên mua trong thời hạn và tại địa điểm hợp lý để bên mua có thể nhận hàng.
  • Trường hợp bên bán đã giao chứng từ liên quan đến hàng hóa trước thời hạn thỏa thuận thì bên bán vẫn có thể khắc phục những thiếu sót của các chứng từ này trong thời hạn còn lại.

>>>Xem thêm:  Điều kiện để công ty nước ngoài khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán tại Việt Nam

Trên đây là một số hướng dẫn về các lưu ý về thời gian và địa điểm giao nhận hàng hóa trong hợp đồng mua bán. TƯ VẤN LUẬT DOANH NGHIỆP hy vọng có thể giúp đỡ được nhiều người với nhiều nhu cầu dịch vụ pháp lý khác nhau. Hotline 1900.63.63.87 luôn sẵn sàng lắng nghe những thắc mắc từ quý khách hàng mọi lúc, mọi nơi, kết nối bạn đến với những tư vấn từ những luật sư giỏi về chuyên môn, nhiệt tình trong công việc.

4.6 (17 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 727 bài viết