Luật Thừa Kế

Thủ Tục Giải Quyết Tranh Chấp Di Sản Thừa Kế

Thủ tục giải quyết tranh chấp di sản thừa kế là câu hỏi thường gặp mỗi khi có tranh chấp liên quan đến việc chia thừa kế. Có nhiều cách giải quyết được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự 2015, tuy nhiên để hiểu và áp dụng cần có sự hướng dẫn của các luật sư hoặc những người am hiểu về luật thừa kế. Bài viết dưới đây sẽ giúp quý khách hiểu rõ hơn về nội dung này.

Giải quyết tranh chấp di sản thừa kế

Tranh chấp di sản thừa kế là gì?

Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 thì di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Tranh chấp di sản thừa kế là những mâu thuẫn, bất đồng phát sinh giữa các bên liên quan về quyền và nghĩa vụ liên quan đến di sản thừa kế của người đã khuất.

Thông thường, tranh chấp di sản thừa kế bao gồm:

  1. Xác định những tài sản thuộc di sản thừa kế, bao gồm tài sản chung, tài sản riêng, tài sản cá nhân, và tài sản liên quan đến doanh nghiệp.
  2. Xác định giá trị của từng tài sản trong di sản.
  3. Xác định các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính liên quan đến di sản.
  4. Xác định phần di sản của mỗi người thừa kế.
  5. Giải quyết tranh chấp về quyền thừa kế giữa các người thừa kế.
  6. Thực hiện việc chia di sản theo thỏa thuận của các người thừa kế.
  7. Giải quyết tranh chấp về việc chia di sản.
  8. Hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến việc chia di sản.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp di sản thừa kế

Theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Căn cứ theo Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tranh chấp về thừa kế tài sản. Tuy nhiên, trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tranh chấp về thừa kế tài sản, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1, 4 Điều 35 Bộ luật này. Trong trường hợp xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết

Ngoài ra, căn cứ vào khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ đối với các vụ án dân sự như sau:

  • Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
  • Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
  • Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

Quy trình thực hiện

Người có yêu cầu giải quyết tranh chấp nộp hồ sơ khởi kiện kèm theo giấy tờ chứng minh yêu cầu của mình đến tòa án có thẩm quyền như đã phân tích ở tiểu mục 2.

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Thành phần hồ sơ khởi kiện thừa kế theo pháp luật bao gồm:

  • Đơn khởi kiện (theo Mẫu 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP);
  • Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế;
  • Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
  • Bản kê khai các di sản;
  • Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;
  • Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong hộ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn (nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản (Nếu có).

Bước 2: Nộp đơn khởi kiện

Theo quy định tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, người khởi kiện nộp đơn đến Tòa án bằng một trong các hình thức sau:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa.
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính (gửi qua bưu điện).
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Bước 3: Xử lý đơn khởi kiện

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

quy trình để tiến hành giải quyết tranh chấp di sản thừa kếQuy trình tiến hành giải quyết tranh chấp di sản thừa kế

Thời hiệu khởi kiện tranh chấp về di sản thừa kế

Theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 về thời hiệu về thừa kế thì:

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

  • Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
  • Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu theo quy định trên.

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu giải quyết tranh chấp di sản thừa kế

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu giải quyết tranh chấp di sản thừa kế

Thủ tục giải quyết tranh chấp di sản thừa kế mặc dù đã được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 nhưng việc áp dụng không hề đơn giản. Việc có sự trợ giúp từ phía luật sư là rất cần thiết. Nếu quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc có sự vướng ngại, thắc mắc, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline 1900.63.63.87 để được tư vấn luật thừa kế.

>>Bài viết có thể bạn quan tâm: 

4.8 (17 bình chọn)

Bài viết được Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương
Nguyễn Văn Đệ - Luật sư kiểm duyệt: Nguyễn Trần Phương

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Lao Động, Hôn Nhân Gia Đình, Dân Sự, Thừa Kế

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 754 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *