Luật Hình Sự

Hướng dẫn tố cáo hành vi khám xét nhà trái phép của công an

Tố cáo hành vi khám xét nhà trái phép của công an là một trong những điều mà công dân nên biết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và cả gia đình. Việc khám xét nhà trái phép của công an cũng ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của người dân đối với chính quyền nhà nước. Vậy, làm cách nào để bảo vệ cho bản thân và cả gia đình? Mời Quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.

hướng dẫn tố cáo hành vi khám xét trái phép của công an

Hướng dẫn tố cáo hành vi khám xét nhà trái phép của công an

Quyền bất khả xâm phạm được quy định như thế nào?

Khoản 2 và 3 Điều 22 Hiến Pháp 2013 quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở như sau:

  • Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
  • Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
  • Việc khám xét chỗ ở do luật định.

Điều 12 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 cũng quy định về nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở như sau:

  • Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở của cá nhân.
  • Việc khám xét chỗ ở phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.

Khoản 1 Điều 192 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 quy định về căn cứ để khám xét chỗ ở như sau:

  • Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
  • Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.

Khi nào công an mới được phép khám xét nhà người dân?

Theo thủ tục hành chính

Điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung 2020 quy định về việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Ngoài ra, cũng tại Điều này quy định về những người có quyền quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an phường;
  • Trưởng Công an cấp huyện;
  • Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh của Công an cấp tỉnh; Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường;
  • Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, Trạm trưởng Trạm công an cửa khẩu;
  • Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động;
  • Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục hải quan;
  • Đội trưởng Đội quản lý thị trường;
  • Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng, Chỉ huy trưởng biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải đội biên phòng, Trưởng đồn biên phòng và Thủ trưởng đơn vị bộ đội biên phòng đóng ở biên giới, hải đảo;
  • Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển, Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển, Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển;
  • Người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga;
  • Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Đồng thời, mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản.

Ngoài ra, trong quá trình khám xét phải có mặt người chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ và người chứng kiến. Trong trường hợp người chủ nơi bị khám, người thành niên trong gia đình họ vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và 02 người chứng kiến.

Tuyệt đối không được khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Theo thủ tục tố tụng hình sự

Điều 195 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 quy định về hành vi khám xét chỗ ở như sau:

  • Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.
  • Khi tiến hành khám xét chỗ ở, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong.

Ngoài ra, tuyệt đối không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

khi nào công an mới được phép khám xét chỗ ở

Khi nào công an mới được phép khám xét chỗ ở

Hành vi khám xét nhà trái phép của công an có thể cấu thành tội phạm nào?

Đối với hành vi khám xét nhà trái phép của công an thì hành vi này có thể bị khởi tố theo tội danh tại Điều 158 Bộ Luật Hình Sự 2015, sửa đổi 2017 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác, cụ thể là hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác và có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Thủ tục tố cáo hành vi khám xét nhà trái phép của công an

Mẫu đơn tố cáo

Đơn tố cáo tuy không có mẫu cụ thể nhưng vẫn phải đáp ứng đầy đủ nội dung được quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Tố Cáo 2018 như sau:

  • Ngày, tháng, năm tố cáo.
  • Họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo.
  • Hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo.
  • Người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan.
  • Chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.

Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.

Thẩm quyền giải quyết vụ án

Điều 12 Luật Tố Cáo 2018 quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo như sau:

  • Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết.
  • Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.
  • Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
  • Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức được xử lý như sau:
  • Trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;
  • Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và giữ chức vụ cao hơn thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.
  • Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết;
  • Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;
  • Trường hợp người bị tố cáo không còn là cán bộ, công chức, viên chức thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
  • Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách do người đứng đầu cơ quan, tổ chức sau hợp nhất, sáp nhập, chia, tách mà người bị tố cáo đang công tác chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
  • Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý cơ quan, tổ chức trước khi bị giải thể giải quyết.
  • Tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.

thủ tục tố cáo hành vi khám xét nhà trái phép của công an

Thủ tục tố cáo hành vi khám xét nhà trái phép của công an

>>Xem thêm: CƯỠNG CHẾ THU HỒI ĐẤT TRÁI PHÁP LUẬT.

Như vậy, công dân có thể dễ dàng tố cáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Nếu như Quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào cần được tư vấn luật hình sự thì xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE: 1900636387. Xin cảm ơn.

4.5 (15 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 894 bài viết