Tin tức

Án lệ là gì?

Án lệ không còn là một thuật ngữ quá xa lạ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đặc biệt là trong những năm gần đây, sự phát triển không ngừng của kinh tế-xã hội luôn làm phát sinh, thay đổi các quan hệ xã hội, đòi hỏi các quy phạm pháp luật cũng phải thay đổi để điều chỉnh cho phù hợp. Vì vậy, việc sử dụng án lệ như một yêu cầu cần thiết để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội trên. Vậy Án lệ là gì? Án lệ có phải là một văn bản pháp luật không?

án lệ có phải là một văn bản pháp luật không

Án lệ có phải một văn bản pháp luật không?

Án lệ là gì?

Án lệ (tiếng Pháp – Jurisprudence) được hiểu là: Đường lối giải thích và áp dụng luật pháp của các tòa án về một điểm pháp lý, đường lối này đã được coi như một tiền lệ, khiến các thẩm phán sau đó có thể noi theo trong các trường hợp tương tự. Vận dụng án lệ là việc tòa cấp dưới vận dụng các phán quyết có từ trước của tòa cấp trên để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự.

Theo quan điểm của các nhà luật học theo hệ luật Anh -Mỹ (Anglo – Sacxon), án lệ được hiểu theo hai nghĩa:

  • Theo nghĩa hẹp, án lệ bao gồm toàn bộ các quyết định, bản án được tuyên bố bởi Tòa án và có giá trị như nguồn luật, đưa ra những nguyên tắc, nền tảng áp dụng cho các vụ việc xảy ra tương tự sau này, hay là cách thức sử dụng các nguyên tắc có sẵn như là những căn cứ áp dụng để quyết định các vụ việc xảy ra trong tương lai.
  • Theo nghĩa rộng, án lệ là nguyên tắc bắt buộc đòi hỏi Thẩm phán trong hệ thống các cơ quan Toà án khi xét xử một vụ việc cụ thể cần phải căn cứ ngay vào các bản án, các vụ việc trước đó, đặc biệt là các phán quyết của các Tòa cấp cao (Hight Court), Tòa phúc thẩm (Court of Appeal) và Tòa án tối cao (Supreme Court) hay là những nguyên tắc không theo luật định được đưa ra từ các quyết định tư pháp, hay là hệ thống những nguyên tắc bất thành văn đã được công nhận và hình thành thông qua các quyết định của Tòa án.

Án lệ điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh mà pháp luật chưa thể điều chỉnh hay những mâu thuẫn, thiếu sót của hệ thống pháp luật

Với những nước theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa (hệ thống pháp luật Dân sự – Civil Law), tiêu biểu một số nước như Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản,… Án lệ được xem như một cách giải thích pháp luật. Những bản án này không được xem là luật, không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng tòa cấp dưới phải tham khảo, nếu không nguy cơ bị tòa cấp trên sửa án rất cao.

Theo quy định tại Điều 1 của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Án lệ là “những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

Như vậy, về bản chất, án lệ đều là những phán quyết của Tòa án chứa đựng những nguyên tắc pháp lý cơ bản để điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh mà pháp luật chưa thể điều chỉnh hay những mâu thuẫn, thiếu sót của hệ thống pháp luật. Cho nên, có thể hiểu cơ sở hình thành án lệ chính là những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật. Khi có những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật, tòa án sẽ viện dẫn những căn cứ pháp luật được coi là hợp lý để đưa ra một phán quyết có tính đột phá và bản án này sẽ được tòa án tối cao công bố là án lệ để áp dụng chung cho các trường hợp tương tự do khiếm khuyết quy phạm hoặc chưa có dẫn chiếu quy phạm rõ ràng.

Việt Nam đã sử dụng án lệ chưa? Án lệ có phải là một văn bản pháp luật hay không?

Khác với các nước theo hệ thống thông luật như Anh hay Mỹ, hệ thống pháp luật Việt Nam mang đặc thù của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, coi trọng pháp luật thành văn nên khi đề xuất sử dụng án lệ gặp rất nhiều tranh cãi. Với những giá trị pháp lý mà án lệ mang lại (góp phần hoàn thiện pháp luật, nâng cao vai trò xét xử của Tòa án đặc biệt là Thẩm phán, đảm bảo sự công bằng, giảm thiểu được oan sai trong hoạt động xét xử, đảm bảo tính cập nhật, hiệu quả của hệ thống pháp luật), án lệ đã chính thức được áp dụng tại Việt Nam. Số án lệ được công bố tính đến nay có 43 án lệ về các lĩnh vực dân sự (thừa kế, hợp đồng, quyền sử dụng đất), hôn nhân gia đình, kinh doanh-thương mại, lao động và hình sự). Số lượng án lệ được công bố mặc dù chưa nhiều nhưng cho thấy sự phát triển đột phá của việc sử dụng án lệ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, án lệ ở Việt Nam chỉ được coi như một nguồn hỗ trợ các văn bản pháp luật do mà không được coi là văn bản pháp luật vì án lệ không đáp ứng các điều kiện của một văn bản pháp luật: chủ thể ban hành, hình thức ban hành, trình tự thủ tục ban hành, được quy định cụ thể tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cơ chế sử dụng án lệ Việt Nam như thế nào?

cơ chế sử dụng án lệ việt nam như thế nào
Cơ chế sử dụng án lệ Việt Nam như thế nào?

Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP quy định về nguyên tắc áp dụng án lệ, cụ thể:

  • Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.
  • Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.
  • Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”;
  • Tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.

Án lệ ở Việt Nam chỉ được coi như một nguồn hỗ trợ các văn bản pháp luật do mà không được coi là văn bản pháp luật

Tuy nhiên, việc áp dụng án lệ của Tòa án hiện nay vẫn còn gặp một số bất cập như:

  • Chưa có sự thống nhất trong việc xác định yếu tố bắt buộc nằm ở phần “Khái quát nội dung của án lệ” hay phần “Nội dung của án lệ” theo mẫu án lệ đã công bố. Thực tiễn áp dụng án lệ, một số Tòa án còn trích toàn bộ nội dung của phần “Khái quát nội dung của án lệ” trong phần lập luận của mình.
  • Các Thẩm phán chưa được trang bị kỹ càng kỹ năng xác định tình tiết cơ bản có tính chất tương tự trong hoạt động áp dụng án lệ. Điều này dẫn đến tình trạng cùng một tình tiết nhưng các tòa án áp dụng án lệ có quan điểm khác nhau. Tòa án này cho rằng đó là tình tiết cơ bản nhưng Tòa án khác lại không cho là tình tiết cơ bản.
  • Pháp luật quy định rõ thời điểm có hiệu lực của án lệ có thể dẫn tình trạng bất bình đẳng, nguyên tắc tương tự sẽ bị gián đoạn do áp dụng hiệu lực thời gian của án lệ. Hai vụ việc A và B có tình tiết tương tự nhau nhưng xảy ra ở hai thời điểm khác nhau có thể không được giải quyết như nhau.

Có thể thấy, mặc dù án lệ đã được áp dụng trong thực tiễn xét xử của Việt Nam nhưng cơ chế sử dụng án lệ vẫn chưa được quy định rõ ràng, phù hợp nên gây khó khăn, mâu thuẫn giữa các Tòa khi áp dụng án lệ, khả năng áp dụng án lệ của Tòa vào xét xử chưa cao. Thế nên, cần có cơ chế sử dụng án lệ phù hợp để nâng cao hiệu quả xét xử cũng như hiệu quả áp dụng án lệ.

Trên đây là bài viết chi tiết trả lời cho câu hỏi Án lệ là gì? Án lệ có phải là một văn bản pháp luật không? Nếu bạn đọc vẫn còn vướng mắc về  các vấn đề có liên quan hoặc có nhu cầu tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được hỗ trợ kịp thời, đầy đủ.

4.6 (16 bình chọn)

Bài viết được Chuyên Tư Vấn Luật
Chuyên Tư Vấn Luật

Tác giả: Luật sư tư vấn

Lĩnh vực tư vấn: Tư vấn giải đáp tất cả các lĩnh vực pháp luật, Tố tụng giải quyết các tranh chấp, Cung cấp dịch vụ luật sư, dịch vụ pháp lý trên Toàn Quốc

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 12

Tổng số bài viết: 120 bài viết