Tin tức

Biện pháp khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật trong tố tụng hình sự hiện hành

Biện pháp khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật là một trong những biện pháp thu thập chứng cứ quan trọng và được áp dụng phổ biến khi điều tra vụ án hình sự. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các quy định về các biện pháp này tại Chương XIII Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 vẫn còn có một số điểm bất cập, vướng mắc cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Bài viết sau đây, Chuyên tư vấn luật sẽ cùng với quý đọc giả nghiên cứu rõ hơn những bất cập, hạn chế trong quy định về khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.

Biện pháp khám xét thu giữ tạm giữ tài liệu, đồ vật

Biện pháp khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật trong tố tụng hình sự hiện hành

>>> Xem thêm: Trách nhiệm hình sự trong vụ bé gái 08 tuổi bị bạo hành đến chết

Điều kiện tiến hành biện pháp khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật

Khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được quy định như sau:

  • Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
  • Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
  • Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử.

Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ theo khoản 1 Điều 197 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án theo khoản 1 Điều 198 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Thẩm quyền yêu cầu thực hiện biện pháp khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật

Theo Điều 193 và khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định những người có thẩm quyền ra lệnh khám xét bao gồm:

  • Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
  • Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
  • Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
  • Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành.

Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được thực hiện việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử theo Điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Cơ quan điều tra có thẩm quyền ra lệnh thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông theo khoản 1 Điều 197 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Khi khám xét, Điều tra viên có thẩm quyền được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án theo khoản 1 Điều 198 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Trình tự thực hiện thủ tục khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật

Trình tự Khám xét người phải tuân thủ theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

  • Khi bắt đầu khám xét người, người thi hành lệnh khám xét phải đọc lệnh và đưa cho người bị khám xét đọc lệnh đó; giải thích cho người bị khám xét và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ. Người tiến hành khám xét phải yêu cầu người bị khám xét đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, nếu họ từ chối hoặc đưa ra không đầy đủ các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì tiến hành khám xét.
  • Việc khám xét người phải do người cùng giới thực hiện và có người khác cùng giới chứng kiến. Việc khám xét không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét.
  • Có thể tiến hành khám xét người mà không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.

Trình tự Khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện phải tuân thủ theo quy định tại Điều 195 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

  • Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến. Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
  • Khi khám xét nơi làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng kiến.
  • Khi khám xét địa điểm phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và người chứng kiến.
  • Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến. Khi khám xét phương tiện có thể mời người có chuyên môn liên quan đến phương tiện tham gia.
  • Khi tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong.

Trình tự thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được quy định tại Điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

  • Việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện và có thể mời người có chuyên môn liên quan tham gia. Trường hợp không thể thu giữ được thì phải sao lưu vào phương tiện lưu trữ và thu giữ như đối với vật chứng.
  • Khi thu giữ các phương tiện điện tử có thể thu thiết bị ngoại vi kèm theo và các tài liệu có liên quan.

Trình tự thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông được quy định tại Điều 197 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

  • Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
  • Trường hợp không thể trì hoãn việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra có thể tiến hành thu giữ nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc thu giữ để xét phê chuẩn.
  • Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh thu giữ phải trả lại ngay cho cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông, đồng thời thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết.
  • Người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan trước khi tiến hành thu giữ. Người quản lý cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan phải tạo điều kiện để người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ.
  • Khi thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, phải có đại diện của cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông chứng kiến và ký xác nhận vào biên bản.
  • Cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết. Nếu việc thông báo cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo ngay.

Thủ tục tạm giữ tài liệu, đồ vật được quy định khoản 2 Điều 198 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

  • Việc tạm giữ tài liệu, đồ vật khi tiến hành khám xét được lập biên bản.
  • Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản, trong đó một bản giao cho người chủ tài liệu, đồ vật hoặc người quản lý tài liệu, đồ vật, một bản đưa vào hồ sơ vụ án, một bản giao cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý tài liệu, đồ vật bị tạm giữ.

Trình tự thực hiện thủ tục khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật

Hạn chế trong pháp luật tố tụng hiện hành khi thực hiện biện pháp này

Xét đến thực tiễn áp dụng trong quá trình điều tra vụ án hình sự, những quy định về biện pháp khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có những điểm bất cập, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, giữa tên gọi và nội dung của Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 không thống nhất. Theo tên gọi của điều luật, đối tượng khám xét bao gồm: người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử. Tuy nhiên, về nội dung, Điều 192 chỉ quy định về khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử mà không đề cập đến tài liệu, đồ vật. Mặt khác, theo quy định của điều này thì dữ liệu điện tử là đối tượng khám xét, nhưng dữ liệu điện tử chỉ có thể là đối tượng cần phát hiện, thu thập với tư cách là một loại nguồn của chứng cứ theo điểm c khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chứ không thể là đối tượng khám xét. Trên thực tiễn cũng chưa có Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nào ra lệnh khám xét đối với đối tượng là dữ liệu điện tử.

Thứ hai, theo quy định của Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, mục đích của khám xét là: phát hiện, thu thập công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án, phát hiện người bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân. Trong khi đó, Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án“. Như vậy, trong các đối tượng cần phát hiện, thu thập theo mục đích khám xét nêu trên thì công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có chính là vật chứng. Mặt khác, truy tìm và giải cứu nạn nhân cũng không phải là mục đích khám xét; mục đích khám xét chỉ là phát hiện nạn nhân cũng giống như phát hiện người đang bị truy nã, còn bắt người đang bị truy nã hay giải cứu nạn nhân là biện pháp khác.

Thứ ba, khoản 1 Điều 193 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 Bộ luật này phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành“. Quy định này là chưa hợp lý bởi vì theo quy định của đoạn 1 thì chỉ những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 mới có thẩm quyền khám xét, nhưng theo quy định của đoạn 2 thì cả những “Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra” và “Cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra” cũng có quyền ra lệnh khám xét. Tuy nhiên, cán bộ điều tra thì không thể ra lệnh khám xét được.

Thứ tư, theo khoản 3 Điều 193 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về Thẩm quyền ra lệnh khám xét thì Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc tiến hành khám xét cũng như việc lập biên bản khám xét là không phù hợp. Bởi vì, đây là những vấn đề thuộc về trình tự, thủ tục khám xét. Hơn nữa, trường hợp các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi ra lệnh khám xét thì không thể có Điều tra viên để thông báo cho Viện kiểm sát được.

Thứ năm, Chương XIII Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chỉ quy định về trình tự và thủ tục khám xét người (Điều 194) và khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện (195) mà không quy định khám xét đối với tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử. Bên cạnh đó, chỉ quy định về việc phải đọc lệnh và đưa cho người bị khám xét đọc lệnh đó; giải thích cho người bị khám xét và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ trong khi khám xét người quy định tại Điều 194, còn khám xét các đối tượng khác thì không được đề cập.

Thứ sáu, khoản 3 Điều 194 Bộ luật TTHS năm 2015 chỉ quy định trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì không cần có lệnh. Như vậy, trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, chủ thể có thẩm quyền không được tiến hành khám người mà không có lệnh. Trong khi đó, đây là vấn đề rất cần thiết nhằm nhanh chóng thu giữ vũ khí, hung khí mà đối tượng có thể lợi dụng chống trả hoặc thu thập vật chứng, đồ vật, tài liệu trong người của đối tượng nhằm phục vụ quá trình điều tra.

Kiến nghị, giải pháp

Sau khi phân tích những vấn đề bất cập, vướng mắc trong quy định về các biện pháp khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật trong tố tụng hình sự hiện hành, Chuyên tư vấn luật cho rằng cần phải đưa ra những giải pháp sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

Thứ nhất, tên gọi của Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cần được sửa đổi và đưa “tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử” ra khỏi diện đối tượng khám xét.

Thứ hai, cần sửa đổi Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 theo hướng xác định mục đích khám xét là: nhằm phát hiện, thu thập vật chứng, dữ liệu điện tử, đồ vật, tài liệu khác có liên quan và phát hiện người bị truy nã, nạn nhân thay vì là nhằm phát hiện, thu thập công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án, phát hiện người bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.

Thứ ba, cần đổi sửa đổi khoản 1 Điều 193 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau “Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113, điểm a, b, c, d, đ, e, h khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Lệnh khám xét của những người được quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, h khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành“.

Thứ tư, cần sửa đổi nội dung quy định tại khoản 3 Điều 193 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Cụ thể, ngoài Điều tra viên thì cần quy định cụ thể hơn về việc ai là người phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian và địa điểm tiến hành khám xét trong trường hợp “người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra” tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 ra lệnh khám xét.

Thứ năm, cần sửa đổi Chương XIII Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 theo hướng bổ sung quy định chung về trình tự, thủ tục khám xét chung cho tất cả các đối tượng khám xét; trong đó có việc đọc lệnh, đưa cho người bị khám xét đọc lệnh, yêu cầu đưa ra tài liệu, đồ vật có liên quan, thông báo cho Viện kiểm sát để cử Kiểm sát viên kiểm sát, mời người có chuyên môn liên quan, lập biên bản….

Thứ sáu, cần sửa đổi Điều 194 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 theo hướng bổ sung trường hợp khám người không cần lệnh khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Kiến nghị giải đáp

Kiến nghị, giải pháp

Trên đây là các ý kiến đề kiến nghị, giải pháp về Biện pháp khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật trong tố tụng hình sự hiện hành. Nếu quý độc giả có bất kỳ ý kiến đóng góp nào cho bài viết, hãy liên hệ với chúng tôi thông qua hotline 1900.63.63.87 để cùng nhau trao đổi, đánh giá và phân tích những vấn đề bất cập trong quy định pháp luật và cùng nhau nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật.

4.8 (15 bình chọn)

Bài viết được Chuyên Tư Vấn Luật
Chuyên Tư Vấn Luật

Tác giả: Luật sư tư vấn

Lĩnh vực tư vấn: Tư vấn giải đáp tất cả các lĩnh vực pháp luật, Tố tụng giải quyết các tranh chấp, Cung cấp dịch vụ luật sư, dịch vụ pháp lý trên Toàn Quốc

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 12

Tổng số bài viết: 119 bài viết