Luật Hợp Đồng

Bảo Lãnh Và Thế Chấp Tài Sản

Bảo lãnh” và “Thế chấp” là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định tại chương XV (Nghĩa vụ và hợp đồng) của Bộ Luật Dân sự 2015 nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ giữa các chủ thể giao kết hợp đồng. Mặc dù có nhiều nét tương đồng giữa hai biện pháp này, tuy nhiên bảo lãnh và thế chấp là hai biện pháp (hai hình thức) bảo đảm hoàn toàn khác nhau.

Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh). Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó. Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Trường hợp nghĩa vụ không thể thực hiện được, bên nhận thế chấp yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Quy định về biện pháp bảo lãnh và thế chấp tài sảnQuy định vè bảo lãnh và thế chấp tài sản

>>Xem thêm: Có thể thế chấp một tài sản cho nhiều ngân hàng không?

Điểm giống nhau giữa bảo lãnh và thể chấp tài sản

Chủ thể tham gia vào quan hệ bảo đảm ở hai biện pháp bảo đảm này có những dấu hiệu pháp lý giống nhau, đó chính là sự tồn tại của ba chủ thể (hay còn gọi là ba bên) trong mối quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bao gồm: Bên bảo đảm (bên bảo lãnh, bên thế chấp), bên có nghĩa vụ và bên nhận bảo đảm (bên nhận bảo lãnh, bên nhận thế chấp); Ở cả hai biện pháp bảo đảm này, bên bảo đảm không đồng thời là bên có nghĩa vụ, hay nói cách khác, bên bảo đảm và bên có nghĩa vụ là hai chủ thể khác nhau.

Điểm khác nhau giữa bảo lãnh và thể chấp tài sản

Về tính chất bảo đảm

Tính chất bảo đảm của hai biện pháp này có sự đối lập nhau. Cụ thể là, bảo lãnh được xếp vào nhóm biện pháp bảo đảm không bằng tài sản (cùng với tín chấp), hay còn gọi là bảo đảm đối nhân, còn thế chấp nói chung và hình thức thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác nói riêng thuộc nhóm các biện pháp bảo đảm bằng tài sản (cùng với biện pháp cầm cố, đặt cọc, ký cược, ký quỹ), hay còn gọi là bảo đảm đối vật. Điều này lý giải vì sao hầu hết các hợp đồng tín dụng đều gắn liền với hợp đồng thế chấp tài sản thay vì hợp đồng bảo lãnh.

Có sự khác biệt đáng kể về chất giữa bảo lãnh và thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác. Theo đó, nếu như bảo lãnh là biện pháp bảo đảm mang tính đối nhân, nghĩa là, bảo đảm bằng cam kết thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, thì thế chấp nói chung và thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác nói riêng lại có tính chất ngược lại, đó là bảo đảm đối vật, nghĩa là, bảo đảm bằng tài sản cụ thể thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm.

Về nội dung nghĩa vụ và cơ chế thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm

Trong quan hệ bảo lãnh, nội dung nghĩa vụ của bên bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh là thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh). Theo đó, trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ, bên bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ. Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Sự khác nhau giữa bảo lãnh và thế chấp tài sản

Sự khác nhau giữa bảo lãnh và thế chấp tài sản

“Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.” Với ý nghĩa đó, bên bảo lãnh có vai trò là bên trả nợ thay, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ sau và thay cho bên có nghĩa vụ.

Còn đối với thế chấp, nếu đến hạn thực hiện nghĩa vụ, bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên thế chấp không có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, mà chỉ có nghĩa vụ giao tài sản thế chấp (thuộc sở hữu của mình) cho bên nhận thế chấp xử lý để thu hồi nợ (khoản 5 điều 323 Bộ luật Dân sự 2015: Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.)

Chính sự khác biệt về nội dung và cơ chế thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ bảo lãnh và thế chấp nên thời điểm thực hiện nghĩa vụ giao tài sản cho bên nhận bảo đảm xử lý để thu hồi nợ cũng có sự khác nhau giữa hai hình thức bảo đảm này. Cụ thể là, trong trường hợp bảo lãnh, thời điểm này được tính từ khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa .Còn đối với biện pháp thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác, thời điểm này được tính từ khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận đã giao kết với bên nhận thế chấp.

Về xử lý tài sản khi bảo lãnh, theo Điều 342 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên nhận bảo lãnh không có quyền xử lý tài sản của bên bảo lãnh trong trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, mà chỉ có quyền yêu cầu thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Về xử lý tài sản khi thế chấp, Bộ luật Dân sự năm 2015 lại không khẳng định một cách rõ ràng về việc bên thế chấp có quyền dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác hay không. Mặc dù vậy, trên nguyên tắc, “quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 2 Bộ luật Dân sự năm 2015) và “mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng” (khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015), do vậy có cơ sở để khẳng định rằng, chủ sở hữu tài sản được quyền tự do định đoạt việc dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ, không phụ thuộc và bị giới hạn bởi chủ thể của nghĩa vụ được bảo đảm là ai (của chính chủ sở hữu hoặc của người khác), trừ trường hợp bị hạn chế quyền dân sự quy định tại khoản 2 Điều 2 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo nguyên lý này, các bên có quyền tự do lựa chọn hình thức thế chấp (bao gồm cả hình thức thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác) vì quyền dân sự này không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, đồng thời, cũng không thuộc các trường hợp bị hạn chế quyền theo quy định của luật.

Đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh bằng thế chấp tài sản

Đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh bằng thế chấp tài sản

Đảm bảo thực hiện bảo lãnh bằng thế chấp tài sản

Theo quy định của Khoản 3 Điều 336 Bộ luật Dân sự năm 2015, để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (của bên bảo lãnh), các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản, bao gồm cả thế chấp tài sản. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, việc bổ sung hình thức thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh không đồng nghĩa với việc Bộ luật Dân sự năm 2015 không thừa nhận hình thức thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác. Bởi lẽ, hai hình thức thế chấp tài sản này có sự khác biệt:

Thứ nhất, về nghĩa vụ được bảo đảm: Trường hợp thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác thì nghĩa vụ được bảo đảm không phải của bên thế chấp. Trong khi đó, ở hình thức thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì nghĩa vụ được bảo đảm là nghĩa vụ của chính bên thế chấp (mà cụ thể, đó chính là nghĩa vụ bảo lãnh).

Thứ hai, về thời điểm bên nhận thế chấp được quyền xử lý tài sản bảo đảm: Trường hợp thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác là thời điểm bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm. Trong khi đó, ở hình thức thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, thời điểm này được tính từ khi bên thế chấp (đồng thời là bên bảo lãnh) không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nghĩa là, không thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ.

Thứ ba, về mối quan hệ giữa thế chấp và bảo lãnh: Trong quan hệ thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tồn tại song song hai quan hệ có tính chất phụ thuộc, đó là quan hệ bảo lãnh và quan hệ thế chấp. Trong đó, thế chấp là quan hệ phái sinh từ quan hệ bảo lãnh với vai trò tăng cường mức độ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và trách nhiệm của bên bảo lãnh. Tuy nhiên, trong quan hệ thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác, thì không nhất thiết phải tồn tại đồng thời quan hệ bảo lãnh và quan hệ thế chấp. Bởi lẽ, ở hình thức thế chấp này, bên thế chấp không phải là bên bảo lãnh và bên thế chấp cũng không có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ khi đã đến hạn như đã giao kết với bên có quyền (tức bên nhận thế chấp), nếu các bên không có thỏa thuận.

Trên đây là nội dung tư vấn về bảo đảm và thế chấp đảm bảo nghĩa vụ dân sự. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn qua hotline 1900 63 63 87 để được tư vấn chi tiết.

4.9 (12 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 724 bài viết

One thought on “Bảo Lãnh Và Thế Chấp Tài Sản

  1. Avatar
    Bình says:

    A vay tiền của ngân hàng B,hai bên có thoả thuận ,a sử dụng nhà thuộc sở hữu của c để đảm bảo khoản vay
    1.a có thể sd tài sản trên để vay tiếp tại ngân hàng B k?
    2.giả sử giao dịch thế chấp nhà c-b vô hiệu căn cứ nào có thể vô hiệu giao dịch này?và giao dịch c-d vô hiệu có làm giao dịch vay tiền a-b vô hiệu không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *