Luật Hành Chính

Yêu Cầu Hành Chính Trong Các Vụ Án Dân Sự

Thông thường các yêu cầu về hành chính trong vụ án dân sự là các yêu cầu về hủy các quyết định cá biệt bị cho rằng có dấu hiệu trái pháp luật như ban hành không đúng thẩm quyền, thủ tục, nội dung do pháp luật quy định xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án đang có nhiệm vụ giải quyết. Khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức thì Tòa án phải xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của quyết định cá biệt đó.

Pháp luật về yêu cầu hành chính trong án dân sự
Pháp luật về yêu cầu hành chính trong án dân sự

>> Xem thêm: Án Hành Chính Được Cơ Quan Nào Thi Hành?

Về đối tượng, theo Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức thì chỉ có những văn bản là quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết mới bị Tòa án xem xét hủy. Các quyết định cá biệt về hành chính có thể bi yêu cầu xem xét trong vụ án dân sự được quy định tại Điều 30 Luật TTHC.

Về hình thức yêu cầu, nếu đương sự có yêu cầu thì phải được thể trong đơn khởi kiện hoặc yêu cầu bằng văn bản hoặc trình bày yêu cầu Tòa án trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc đơn yêu cầu độc lập phải có yêu cầu hủy quyết định cá biệt theo quy định tại Điều 118 Luật Tố tụng hành chính (Luật TTHC). Trường hợp đương sự trình bày yêu cầu tại Tòa án thì Tòa án có trách nhiệm lập biên bản. Biên bản phải có chữ ký của Thẩm phán và đương sự. Trường hợp đương sự yêu cầu tại phiên tòa thì được ghi nhận trong biên bản phiên tòa.

Thủ tục yêu cầu hành chính trong án dân sự tại cơ quan.
Thủ tục yêu cầu hành chính trong án dân sự tại cơ quan.

>> Xem thêm: Các Trường Hợp Đình Chỉ Giải Quyết Vụ Án Hành Chính

Về thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt, được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền. Khi thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự có phát sinh tình tiết đương sự yêu cầu Tòa án hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thì cần đối chiếu với quy định tại Điều 31, 32, 33 Luật TTHC để xác định thẩm quyền giải quyết hủy quyết định cá biệt trái pháp luật đó. Nếu quyết định cá biệt đương sự yêu cầu hủy không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp mình thì Tòa án đang thụ lý giải quyết kịp thời chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của BLTTDS, Luật TTHC, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt nhưng không cần thiết phải hủy quyết định cá biệt đó và việc không hủy quyết định đó vẫn đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết.

Trường hợp quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và phải hủy quyết định đó mới bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự mà việc hủy quyết định đó không làm thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết và xem xét hủy quyết định đó.

Trường hợp việc xem xét hủy quyết định đó dẫn đến thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì Tòa án nhân dân cấp huyện đang thụ lý giải quyết vụ việc dân sự phải chuyển vụ việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết và xem xét hủy quyết định đó. Trường hợp khi Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý vụ việc dân sự nhưng trong quá trình giải quyết, thấy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật hoặc quyết định cá biệt thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 31 Luật TTHC, thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự. Trường hợp khi Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý vụ việc dân sự nhưng trong quá trình giải quyết, đương sự rút yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật hoặc người ban hành quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật sửa đổi, hủy bỏ quyết định đó, thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự.

>>Xem thêm: Có được thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự không?

Đồng thời, khi giải quyết yêu cầu hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của đương sự trong vụ việc dân sự cần xác định tư cách người tham gia tố tụng trong vụ việc dân sự. Đối với trường hợp này Khoản 3 Điều 34 BLTTDS quy định: Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ cung cấp văn bản, tài liệu liên quan đến quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật bị yêu cầu hủy có liên quan trong vụ việc dân sự đang được giải quyết theo yêu cầu của Tòa án.

Về tạm ứng án phí, án phí: Đương sự không phải nộp tạm ứng án phí và không phải chịu án phí đối với yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc cần được tư vấn luật hành chính bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư Phan Mạnh Thăng qua hotline 1900 63 63 87 để được giải đáp chi tiết.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: chuyentuvanluat@gmail.com.

4.63 (12 bình chọn)

Bài viết được Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến
Tham vấn bởi Luật sư: Võ Tấn Lộc - Tác giả: Vũ Thị Hải Yến

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý - Vũ Thị Hải Yến

Lĩnh vực tư vấn: hành chính, dân sự, đất đai, di chúc, thừa kế.

Trình độ đào tạo: Trường Đại học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 2 năm

Tổng số bài viết: 898 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *