Luật Doanh Nghiệp

Quy Định Pháp Luật Về Thỏa Thuận Trọng Tài

  1. Thỏa thuận trọng tài là gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010 thì: “Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh”.

Theo đó, bản chất của trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp dựa trên sự thỏa thuận của các bên tranh chấp. Các bên có thể thỏa thuận trọng tài trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp. Điều này được cụ thể hóa tại Khoản 1 Điều 5 Luật trọng tài thương mại 2010: “Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp”.

Tổng quan các quy định về thỏa thuận trọng tài
  1. Hình thức thỏa thuận trọng tài thương mại

Thỏa thuận trọng tài có thể tồn tại dưới một trong hai hình thức:

  • Là một điều khoản trong hợp đồng;
  • Thỏa thuận riêng.

Mặt khác, thỏa thuận trọng tài thương mại không thể tồn tại dưới hình thức lời nói hoặc hành vi mà phải được xác lập dưới hình thức văn bản, bao gồm cả:

  • Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
  • Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
  • Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
  • Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
  • Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.
  1. Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài

Hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại chỉ được áp dụng khi các bên có thỏa thuận trọng tài thương mại và thỏa thuận này phải có hiệu lực. Trên cơ sở những quy định tại Luật trọng tài thương mại 2010, thỏa thuận trọng tài chỉ được xem là có hiệu lực khi thỏa thuận này không vô hiệu (Điều 18) đồng thời không thuộc trường hợp không thể thực hiện được (Điều 6).

Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài thương mại theo pháp luật
  1. Thỏa thuận trọng tài vô hiệu

Thỏa thuận trọng tài bị xem là vô hiệu trong những trường hợp sau:

– Tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài là trường hợp thỏa thuận trọng tài được xác lập để giải quyết tranh chấp không thuộc lĩnh vực quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010.

– Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của Pháp luật là người xác lập thỏa thuận trọng tài khi không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền.

– Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này thì Tòa án cần thu thập chứng cứ để chứng minh người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự thì phải có giấy tờ tài liệu chứng minh ngày tháng năm sinh hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của Tòa án xác định, tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

– Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này là trường hợp thỏa thuận trọng tài không được xác lập bằng một trong các hình thức quy định tại Điều 16 Luật trọng tài thương mại 2010 và hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.

– Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu trường hợp một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép theo quy định tại Điều 4, Điều 132 của Bộ luật dân sự.

– Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật là thỏa thuận thuộc trường hợp quy định tại Điều 128 của Bộ luật dân sự.

  1. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài

– Chủ thể có quyền khiếu nại: các bên tranh chấp;

– Chủ thể có thẩm quyền giải quyết: Tòa án;

– Thời hạn: 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Hội đồng trọng tài.

– Hình thức: đơn khiếu nại bao gồm 3 nội dung cơ bản: ngày tháng năm làm đơn khiếu nại; tên, địa chỉ của bên khiếu nại; nội dung yêu cầu.

– Bên cạnh đó phải gửi kèm đơn khiếu nại bản sao đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài, quyết định của Hội đồng trọng tài. Trường hợp giấy tờ kèm theo tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt, được chứng thực hợp lệ.

– Thời hạn ra quyết định của Tòa án: 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại.

– Phương pháp giải quyết: Quy định cụ thể các trường hợp tại Khoản 5 Điều 10 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP.

4.9 (19 bình chọn)

Bài viết được Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực
Trương Quốc Dũng - Luật sư kiểm duyệt: Trần Tiến Lực

Tác giả: Chuyên Viên Pháp Lý

Lĩnh vực tư vấn: Hợp Đồng, Xây Dựng, Sở Hữu Trí Tuệ, Doanh Nghiệp

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 3

Tổng số bài viết: 719 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *